Du học nước ngoài là sự lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ hiện tại, lý do là vì có thể tiếp cận được nền giáo dục hiện đại hơn cùng môi trường sống như mơ. Tuy nhiên, cuộc sống du học không phải lúc nào cũng là màu hồng.
Bên cạnh khó khăn trong công việc học tập, du học sinh tại trời Tây còn có thể phải đối diện với nhiều tệ nạn khác, một trong số đó là nạn trộm cắp, cướp giật. Du học sinh châu Á nói riêng và du khách nước ngoài nói chung luôn là đối tượng hàng đầu có nguy cơ bị những tên "đạo chích" nhắm tới bằng các thủ thuật tinh ranh, khôn khéo và ngang nhiên.
Mới đây, sự việc không may mà ca sĩ Tuấn Hưng gặp phải ở Anh đã khiến nhiều người chú ý. Theo đó, xế hộp của nam ca sĩ đã bị kẻ gian đập nát để lấy trộm tất cả đồ đạc bên trong, phần lớn số đó là đồ hiệu được Tuấn Hưng mua tặng vợ.
Tuấn Hưng và chiếc xe bị đập
Sau khi sự việc được chính chủ chia sẻ lên trang cá nhân, nhiều người cho biết đây là câu chuyện muôn thuở mà du khách hay du học sinh ra nước ngoài vẫn thường xuyên gặp phải. Tệ nạn này được nhắc đến qua rất nhiều tâm sự của các thành viên, với các tình huống dở khóc dở cười nhưng cái kết mang lại thì đều "đau thương" như nhau.
Muôn vàn chiêu thức của những tên đạo chích Sau khi sự việc được chính chủ chia sẻ lên trang cá nhân, cô nàng Vóc Đỗ (Đỗ Thị Vóc, SN 1994) - vợ cầu thủ Nguyễn Văn Dũng (CLB Hà Nội) hiện đang là du học sinh tại Anh đã viết 1 status rất dài kể lại nỗi niềm của mình. "Sau câu chuyện của chú Tuấn Hưng bị đập xe thì cháu mới có dịp nói ra bức xúc của bản thân bao năm nay. Thật đáng sợ đấy các bạn ạ" - Vóc Đỗ viết.
Vóc Đỗ
Theo đó cô nàng cho biết chính bản thân mình và gia đình cũng từng gặp chuyện không may tương tự như mất xe ô tô, bị móc túi mất 37 triệu hay chiếc iPhone
"Bài học xương máu được đúc rút từ chính em đây - con dân 1 lần bị móc túi mất £1200~ 37 triệu (nhanh lắm nha, có 1 phút mà có thể lấy ví từ trong túi xách, lấy hết tiền trong ví và ném ví lại phía mình) và 1 lần bị móc mất iPhone khi đang đeo tai nghe nói chuyện với chồng (trong 1 - 2s thôi không để ý, cho điện thoại vào túi quần và không thấy tiếng chồng nữa, bật tìm iphone bằng đồng hồ thấy điện thoại ting ting mà không biết đứa nào luôn)".
Không phải ngẫu nhiên mà nạn trộm cắp ở trời Tây được ví von là "nghệ thuật". Bởi vì những tên trộm ở đây sở hữu hàng loạt mánh khóe tinh ranh với kỹ thuật điêu luyện. Chúng thường lợi dụng cơ hội khi du khách thiếu cảnh giác, mải mê nhìn ngắm phong cảnh hay trò chuyện thưởng ngoạn mà ra tay hành động.
Vấn đề ở chỗ những tên trộm này hoạt động rất ngang nhiên ở các địa điểm đông người. Chúng chia thành từng nhóm nhỏ nên rất bài bản, khó phát hiện, thậm chí nàng WAG còn cho biết có trường hợp "có người bị theo về nhà rồi nó đập cả cửa nhà. Mua đồ hiệu để trong xe là dở rồi, thậm chí ngủ dậy một ngày đẹp trời mất luôn cả xe là chuyện bình thường, còn bị đập kính là chuyện quá bình thường luôn."
Làm gì để giảm thiểu rủi ro? Đương nhiên, có vấn đề xuất hiện ắt có biện pháp giải quyết. Các bạn trẻ Việt tại nước ngoài cũng đúc kết được cho mình nhiều kinh nghiệm để tránh trở thành nạn nhân của tệ nạn cướp giật này.
Đặng Nhật Minh (SN 1995) - hiện đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại ĐH Swinburne, ARC SEAM (Úc) cho biết một trong những cách đơn giản nhất giúp giảm thiểu rủi ro bị trộm cắp hiệu quả khi đi học, đi làm ở nước ngoài thế này đó là không nên xài tiền mặt và tránh đi một mình vào ban đêm.
"Mình thì không xài tiền mặt, chỉ mang mỗi cái điện thoại tích hợp đủ mọi thứ khi đi ra ngoài bao gồm thẻ ngân hàng, chứng minh thư điện tử, thẻ sử dụng tàu và phương tiện công cộng, rồi thẻ y tế...
Chỉ cần chạm nhẹ vào máy tính tính tiền là trả được tiền mua đồ rồi, chỉ cần giơ lên chỗ cổng đi tàu là hệ thống tự mở cổng cho bạn đi vào, chỉ cần đưa chứng minh điện tử cho bảo vệ là được mua rượu và vào bar club ngay. Nói chung khá tiện lợi khi không sử dụng tiền mặt, tránh lo bị kẻ xấu móc túi", Nhật Minh chia sẻ.
Nhật Minh cho rằng không sử dụng tiền mặt là cách hiệu quả nhất để tránh bị móc túi khi du học nước ngoài
Nhật Minh tâm sự thêm: "Ngoài ra thì khu mình ở khá an toàn, an ninh cao, cổng nhà không cần khóa mấy hôm cũng không bị sao cả vì camera an ninh ở khắp nơi và cảnh sát thường xuyên đi tuần nữa. Tuy nhiên, mình biết ở nhiều khu khác an ninh khá phức tạp, vẫn có nghiện ngập và buôn thuốc cấm nhiều, và nhiều nơi né thuế chỉ nhận mỗi tiền mặt nên thành ra khi đi qua những khi này phải cẩn thận hơn bằng cách tránh đi một mình và tránh lảng vảng vào ban đêm.
Luôn luôn đi với bạn và phải nhớ số điện thoại khẩn cấp 000 (như 911 ở Mỹ) để phòng khi có gì xảy ra thì còn có thể liên hệ kịp. Tất nhiên, mình cũng không có đeo trang sức đắt tiền, ăn mặc lòe loẹt để đi dạo ở những khu như thế này rồi, cho nên để tránh bị nỗi e sợ mất cắp bất cứ lúc nào, mình chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn một tí để thuê ở khu có an ninh cao hơn, để có được nỗi an tâm khi đi làm về muộn mỗi tối".
Còn theo nàng WAG Vóc Đỗ đúc kết lại rút ra 4 "Không" cho những ai đi châu Âu: Không mang tiền mặt - Không đeo trang sức - Không dùng đồ hiệu - Không đi xe đẹp.
"Ở UK có đồ hiệu đeo/ mặc trên người thì còn phải giấu đi nếu đi ngoài đường vì nạn cướp giật, móc túi. Ra đường càng giản dị càng tốt, nhiều hôm đeo túi mà phải mặc giấu trong áo hoặc cho vào túi đi siêu thị, túi primark để nguỵ trang thế nên em chẳng dám mua đồ đắt tiền hoặc show off ngoài đường vì sợ bị cướp lắm, thậm chí có người bị theo về nhà rồi nó đập cả cửa nhà.
Thế nên câu nói càng giản dị càng tốt là chân ái. Châu Âu đẹp thật đấy nhưng nếu không muốn phiền thì không mang tiền mặt, không đeo trang sức, không dùng đồ hiệu, không đi xe đẹp", Vóc Đỗ nói.
Cô nàng Vóc Đỗ
Không chỉ là cướp giật tiền bạc, tài sản, những ai đang ở nước ngoài cũng nên cẩn thận với chuyện bị đánh cắp thông tin cá nhân. Cô bạn Đỗ Phương Nga (sinh năm 2003, quê ở Phú Thọ) hiện đang là du học sinh ngành Marketing & Business Analytics tại Đại học La Trobe (Úc) chia sẻ: "Mình nghĩ là ở Melbourne thì mọi người không cần quan ngại lắm về việc đi ngoài đường sợ bị cướp giật. Nhưng mà bên này thì phổ biến chuyện cướp thông tin hơn, kiểu như là tội phạm sẽ giả danh bên ngân hàng gọi điện và bảo tài khoản của mình có vấn đề gì đấy rồi bắt mình khai thông tin cá nhân rồi sau đó rút tiền khỏi tài khoản của mình.
Theo mình mọi người nên cảnh giác nếu có nhận được những cuộc gọi như vậy và nếu đã nhỡ khai thông tin cá nhân thì sau đấy phải gọi lại luôn cho bên ngân hàng để báo người ta khóa tài khoản của mình hoặc cảnh giác nếu có người gọi điện yêu cầu rút tiền của mình mà không có lý do chính đáng".
Cô bạn Đỗ Phương Nga cảnh báo thêm về chuyện đánh cắp thông tin khi ở Châu Âu
Như vậy, những sự việc đáng buồn trên chính là những lời cảnh tỉnh đối những ai đang tính đi du học, du lịch nước ngoài. Mỗi người nên cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng thân, đừng vì vẻ đẹp lộng lẫy của các thành phố xa hoa mà một phút thiếu cảnh giác rồi trở thành nạn nhân của những kẻ đạo chích.
Nguồn: Kênh 14
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000