1. Tin không liên quan đến công việc
Mục đích thành lập nhóm chủ yếu là để giải quyết các vấn đề xảy ra trong công việc, đồng thời tìm ra giải pháp phù hợp thông qua các cuộc thảo luận. Do đó, nội dung trò chuyện trong nhóm này chủ yếu là về công việc, bất luận là nói về chủ đề gì thì cũng chỉ nên xoay quanh công việc mà thôi.
Ngày nay, nhiều công ty không nhất thiết chỉ có một nhóm công việc mà đôi khi có tận hai nhóm công việc. Một là nhóm do công ty tạo, bao gồm cả nhân viên và các lãnh đạo; hai là nhóm do nhân viên tự tạo, chỉ bao gồm những đồng nghiệp với nhau.
Mặc dù đều là nhóm chat công việc nhưng chúng có sự khác biệt rất lớn, nếu là nhóm do nhân viên tự tạo, bởi vì không có các sếp trong nhóm, nên mọi người thi thoảng vẫn có thể nói về những chủ đề không liên quan đến công việc, hoặc thậm chí pha trò chọc ghẹo nào đó, v.v..
Nhưng nếu đó là nhóm công việc của công ty thì lại là chuyện khác, bạn chỉ có thể nói những chuyện liên quan đến công việc chứ tuyệt không nên nói đến những chủ đề khác. Vì như thế sẽ khiến sếp nghĩ bạn lơ là công việc, đối với thái độ và hiệu suất làm việc của bạn cũng sẽ nảy sinh nghi ngờ, dẫn đến sự phát triển của bạn trong công ty cũng sẽ khó khăn hơn vì không được sếp coi trọng.
2. Tin nhắn nịnh nọt sếp
Ở nơi làm việc, nịnh sếp là chuyện bình thường, nếu nịnh đúng chỗ thì không chỉ được sếp trọng dụng, mà còn có thể có cơ hội thăng chức tăng lương.
Nhưng nếu nịnh không đúng chỗ thì xong rồi, có khi còn bị sếp ghét ngược trở lại. Nịnh nọt cũng là một loại kỹ năng, không phải cứ mở miệng ra khen vài câu là được, mấu chốt chính là phải chọn đúng thời gian và địa điểm thích hợp, ít nhất cũng không nên nịnh nọt sếp ngay trong nhóm chat công ty.
Bạn nên biết rằng trong một nhóm công việc thường có nhiều hơn một người sếp, vì thế nên bạn sẽ khó có thể "chăm sóc" được hết cho tất cả. Nếu bạn chỉ nịnh một người sếp thì chắc chắn sẽ khiến các sếp còn lại thấy không ưa, thậm chí có thể còn coi bạn là một người đạo đức giả, không biết thức thời.
Hơn nữa, nhóm công việc chủ yếu đặt công việc lên hàng đầu, xu nịnh sẽ chỉ khiến người khác cảm thấy bạn là loại người giỏi "bợ đít" chứ không để lại bất kỳ một ấn tượng tốt nào cả. Như thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ giữa bạn và các đồng nghiệp sau này.
3. Tin nhắn than phiền
Than thở là một loại hành động trút bỏ cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài, không chỉ ảnh hưởng xấu đến bản thân mà còn đến những người xung quanh.
Ở nơi làm việc, chúng ta không thể tránh khỏi những bất mãn đối với công việc, lãnh đạo và đồng nghiệp, nên đôi khi than phiền cũng là chuyện bình thường, nhưng những lời nói này, tốt nhất chỉ nên để ở trong bụng mà thôi. Nếu như bạn ghi những lời đó ra và gửi lên nhóm công ty, thì chắc chắn sẽ khiến mọi người cảm thấy bạn là một người có EQ thấp, hay thậm chí là quá ngu ngốc, vì thế sẽ không được đồng nghiệp hay sếp đánh giá cao.
4. Tin nhắn chỉ trích người khác công khai
Tục ngữ có câu: "Người không phải thánh, không thể không có lỗi".
Trong trường hợp nếu thấy được lỗi sai của người khác, người thông minh thường sẽ tìm cơ hội riêng tư để nhắc nhở đối phương một cách tử tế, để họ có thể sửa chữa.
Tuy nhiên, một số người lại rất thích buộc tội nhau ở nơi công cộng, họ thường là những người có tính bốc đồng hoặc nhằm gây khó dễ cho đối phương, khiến đối phương cảm thấy xấu hổ. Ra đời lăn lộn, tốt nhất chỉ nên "bớt thù thêm bạn", nếu không thì tiền đồ chỉ có khó càng thêm khó, thậm chí là tự chuốc lấy tai họa không đáng có.
Vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra, dù đồng nghiệp hay sếp có xâm phạm lợi ích của bạn như thế nào, thì tốt nhất bạn cũng không nên gửi tin nhắn tố cáo vào nhóm công khai, trừ khi bạn không còn muốn tiếp tục ở lại công ty đó nữa.
5. Tin nhắn cuộc sống cá nhân
Ngày nay, rất nhiều người thích đăng trạng thái cuộc sống của họ trên các nền tảng xã hội cá nhân để thể hiện những cảm xúc, sở thích và mối quan tâm khác nhau của họ.
Ví như một đồng nghiệp của tôi, mới vào công ty được 2 tháng và vẫn đang trong thời gian thực tập. Anh ấy rất thích chia sẻ những bài viết cổ vũ tinh thần, kiểu dạy bạn thành công, đôi khi còn thêm ý kiến cá nhân vào nữa.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như anh ấy không chuyển tiếp các bài viết đó vào nhóm của công ty. Về cơ bản là chẳng có ai quan tâm và phản hồi lại anh ấy cả. Thế nhưng anh ấy lại tưởng rằng các đồng nghiệp không thấy tin anh ấy gửi, nên anh bèn gửi lại bài viết đó vào nhóm thêm vài lần nữa.
Mặc dù không có ai phản hồi hay trách cứ gì trên nhóm chat, nhưng trong công ty, anh ấy đã bị nhiều đồng nghiệp coi là người có EQ kém , mọi người đều tránh mặt anh và không muốn tiếp xúc với anh.
Mỗi người đều có cách sống riêng, không có đúng sai, bạn có thể đăng những thông tin này và cảm xúc cá nhân lên mạng xã hội của chính mình, chia sẻ với người thân, bạn bè, nhưng đừng đăng nó vào nhóm công việc. Điều này không những không được đánh giá cao mà còn bị coi thường.
Nói chung, trừ khi là được sếp yêu cầu, còn không thì tốt nhất là bạn không nên nói quá nhiều trong nhóm chat công ty, bởi vì thực lực mới là điều quan trọng nhất ở nơi làm việc . Miệng nói mà tay không làm thì cũng vô ích, huống chi là bạn còn nói đến những đề tài không liên quan đến công việc.
theo Trí thức trẻ
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000