Công nghệ cũng có cái tội.
Tội thứ nhất rành rành là mấy năm nay không ai viết thư tay cho mình, và mình cũng chẳng viết thư tay cho ai.
Tội thứ hai là vì cái tội thứ nhất mà chữ nghĩa mình càng ngày càng xấu tệ!
Tội thứ ba liên quan đến cái tội thứ hai ở chỗ: không còn đoán nổi tính cách người viết xấu tốt thế nào. Thôi thì đoán già đoán non qua... font VNI-Helve hay VN-Times vậy.
Chủ nhật rảnh, ngồi lục lọi một đống bụi bặm. Lôi ra một đống kỷ niệm... Vàng úa... Phẳng đến mức không thể nhàu hơn... Hoen mực... Hoen cảm giác... Bồng bềnh...
Thư mẹ viết cho khi lần đầu tiên mình sống xa nhà. Từ dạo ấy chẳng bao giờ còn nghe nhắc “Con nhớ ăn uống đầy đủ nhe” (đính chính: mami vẫn nhắc qua điện thoại, nhưng toàn là hét:
“Mày lo mà ăn uống đầy đủ nhe chưa. Ốm nhom ốm nhách thấy ghê!”).
Thư viết lại cho mami “Mẹ nhớ giữ sức khỏe...” (ai như bây giờ cứ gọi về là bỡn cợt: “Mẹ nhớ ăn uống đàng hoàng... Tiết kiệm hoài!”).
Thư tình ta viết cho nhau.
Hồi ấy đọc rưng rưng... Bây giờ đọc vẫn rưng rưng... Bao nhiêu nhớ nhung làm rách cả lề. Ai bảo lời nói gió bay. Nhớ thì nhớ. Nhưng chữ viết gió hổng bay... Nên cứ giở đi giở lại mà đọc.
Thư tay ta viết chuyền nhau những... nhảm nhí khi giờ học chán phèo (“buồn ngủ quá!”, “ờ, buồn ngủ”).
Đôi khi chỉ có vậy, mà đọc lại vẫn buồn cười. Cứ như chữ nén tất cả khoảnh khắc khi nó được sinh ra, nên sẵn lòng tuôn trào mỗi khi đọc lại.
Thư... hăm dọa của học trò viết cho cô giáo “mai mốt cô mà đi là tim em như ngừng đập”.
Mới đọc hết hồn. Đọc xong biết nó được copy ra nhiều bản gửi cho nhiều người vẫn... hết hồn. Đọc lại bao nhiêu lần vẫn... hết hồn và buồn cười không chịu nổi.
Bây giờ hổng còn biết viết thư cho ai, nên thi thoảng cứ chép thơ để xem chữ mình ngượng nghịu thấy thương. Thi thoảng được hỏi: Chép chi?
Thì trả lời nè: thèm viết, thèm nhận một bức thư tay... nên tự viết tặng mình.
TRẦN NGỌC THẢO
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000