Tôi đồng tình với Trần Đương khi anh viết rằng, kể lại những năm tháng ấy, đâu phải là “ôn nghèo kể khổ” mà chỉ mong muốn con cháu mình nhớ rằng: trong hoàn cảnh nào, con người cũng phải vươn lên mà sống, sống có ý nghĩa, sống có ích.
Đã có không ít bài thơ, bài ký viết về những năm sơ tán của sinh viên các trường Đại học trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.
Tôi đã đọc các bài thơ, bài ký đó và càng da diết nhớ cả một quãng đời của mình khi còn là sinh viên khóa IX của khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đi sơ tán ở Đại từ, Thái Nguyên.
Vô cùng thiếu thốn, gian khổ, nhưng cũng vô cùng kỳ diệu vì thế hệ chúng tôi ngày ấy đã được rèn luyện về mọi mặt, không những đêm đêm miệt mài học tập dưới ngọn đèn dầu chỉ to bằng hạt đỗ mà còn ngày ngày làm hàng loạt việc như: đào hầm, đào giao thông hào, lấy gỗ làm hầm, làm nhà, đào giếng lấy nước ăn và tắm rửa, lấy củi nấu bếp, gánh gạo, thay nhau rửa bát, giữ kho…
Ấy vậy mà “trường vẫn ra trường”, “thầy vẫn ra thầy”, “trò vẫn ra trò” – từ môi trường ấy đã hình thành cả một thế hệ trí thức mới – những nhà văn, nhà báo có tài, những nhà khoa học, các kỹ sư, bác sĩ ưu tú của đất nước. Không ít người trở thành giáo sư, tiến sĩ và các nhà quản lý có tên tuổi trong bộ máy của Đảng, Nhà nước.
Từ thực tế đó, tôi đọc cuốn “Nước Đức duyên nợ của đời tôi”, mà tập I là “Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời” của Trần Đương với sự đồng cảm sâu sắc. Là người bạn cùng lớp của Trần Đương, tôi tìm thấy trong đó âm hưởng của những năm tháng đã xa. Đặc biệt, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần phần III: “Từ thành phố Bitterfeld đến chân núi Đại từ”.
Cuốn sách thứ 103 của tác giả Trần Đương
Riêng các mục: “Ba lần thay đổi giảng đường” và “Thế giới của học thuật và sáng tạo” đã kể lại đời sống, công việc của thầy trò chúng tôi với khá nhiều chi tiết sinh động, phong phú và cũng đáng tự hào. Tôi đồng tình với Trần Đương khi anh viết rằng, kể lại những năm tháng ấy, đâu phải là “ôn nghèo kể khổ” mà chỉ mong muốn con cháu mình nhớ rằng: trong hoàn cảnh nào, con người cũng phải vươn lên mà sống, sống có ý nghĩa, sống có ích.
Quả thật, anh chị em chúng tôi, trong đó có Trần Đương, đã tỏ ra là những con người vượt lên hoàn cảnh để sống có ý nghĩa, có ích. Bốn năm trời ở Đại học, tôi là một người bạn gần gũi của Trần Đương, không chỉ học cùng lớp mà còn sinh hoạt cùng tổ, ăn cùng mâm và khí sơ tán đã ngủ cùng giường. Sau này, lại có giai đoạn công tác ở cùng cơ quan (Ban Tuyên giáo Trung ương). Tôi lớn tuổi hơn, coi Trần Đương như một người bạn trẻ, một người em, có thể giãi bày, trò chuyện về mọi ngóc ngách riêng tư. Trong ấn tượng của mình, tôi ghi nhận Trần Đương là một sinh viên ham học, có nhiều ý tưởng trong nghiên cứu, có nghị lực trong đời sống, quyết tâm vươn lên làm những công việc có ích cho sau này. Tôi rất cảm động khi biết Trần Đương đã “hy sinh” bậc lương cao ở ngành Hóa đê chấp nhận hưởng một phần học bổng để theo đuổi văn chương – lĩnh vực mà anh say mê từ thuở thiếu thời.
Giờ đây, đọc từ đầu chí cuối tập I cuốn “Nước Đức duyên nợ của đời tôi”, tôi có dịp hiểu Trần Đương hơn nữa, kể từ lúc mới lọt lòng mẹ cho đến khi cầm quyết định đi làm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Đức. Tôi từng có dịp tiếp xúc với bác Trần Minh Tân, người cha thân yêu của Trần Đương, và được biết Trần Đương sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội và cha đẻ của anh đều là những lão thành cách mạng – đó là một trường hợp hiếm hoi, rất đáng tự hào.
Đọc cuốn sách thứ 103 này của Trần Đương, tôi theo dõi những bước đi của anh từ khi còn là một cậu bé, sống trong tình mẹ vô cùng ấm áp, chập chững bên ông nội trên những nẻo đường của quê hương Quảng Xương cho đến khi được cùng một số con em các gia đình cách mạng sang Đức ăn học, rồi sau đó trải qua nhiều giai đoạn học tập, công tác. Những trang viết của Trần Đương về “Quảng Bình – cát, năng và lửa” giúp người đọc hình dung khá rõ nét về một “tuyến lửa” mang nhiều chất huyền thoại. Có những đoạn sinh động mà mới lạ như tiểu thuyết vậy. Ấy là khi anh viết về Bí thứ Đảng ủy Hồ Văn Bế, về các cô gái pháo binh Ngư Thủy, về mẹ Suốt, mẹ Khíu, về những anh hùng có tên tuổi và những anh hùng thầm lặng, vô danh. Trần Đương đã sống với họ, yêu quí họ, kính trọng họ, đến mức không muốn xa họ để đi nhận công tác ở nước bạn. Trần Đương đã viết về Quảng Bình với một tình cảm sâu nặng – như một tình yêu – qua từng trang văn trôi chảy, điểm vào những câu thơ chẳng khác gì những bông hoa đẹp hiện lên giữa khung trời mênh mông, bát ngát.
“Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời”
Đúng như cái tên của tập I – “Tuổi thanh xuân dưới hai bầu trời”, người đọc đã thấy rõ chặng đường 29 năm đầu đời của Trần Đương được trải dài ở hai đất nước Việt Nam và Đức: 29 năm ấy được khắc họa với những nét sâu đậm.
Sau khóa học 1964 – 1968, lớp chúng tôi đã có nhiều người trở thành những nhà thơ như Trúc Thông, Hoàng Ý Nhi, Trần Mạnh Thường, Ngô Thế Oanh, các nhà nghiên cứu: Phan Đắc Lập, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Đình San, Lưu Bích Hoằng; các nhà báo: Đào Quang Cường, Trần Thiên Nhiên, Ma Văn Bổn, Nguyễn Quốc Dũng, Hà Hồng Nhung; các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ: Lý Toàn Thắng, Đặng Việt Bích; các nhà giáo: Nguyễn Chiến, Đinh Lê Thư, Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Xuân Nguyên, Nguyễn Bích; các biên tập viên ở các nhà xuất bản như: Trương Quốc Ân, Lê Ngọc Y, Nguyễn Nguyệt Lệ, Bùi Hòa…; các nhà quản lý như: Hoàng An (Chủ tịch Hội Văn nghệ Lặng Sơn), Vi Trọng Toán (Thứ trưởng Bộ Văn hóa). Riêng Trần Đương trở thành nhà báo giỏi, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Đức, dịch giả văn học, đã cho ra đời trên 100 tác phẩm gồm sáng tác, dịch thuật và biên soạn, trong đó chủ yếu là sách về văn hóa Đức và Bác Hồ…
Đọc trên 40 quyển sách về Bác Hồ với những câu chuyện thú vị, mới mẻ, hấp dẫn, tôi rất cảm phục tinh thần làm việc của Trần Đương và thấy rõ tấm lòng kính yêu của anh đối với Bác. Có lúc tôi tự nghĩ: Rõ ràng Trần Đương là một “tỉ phú” tư liệu về Bác Hồ, vị lãnh tụ của chúng ta.
Tôi cũng đặc biệt xúc động khi đọc những trang viết của anh về con người và đất nước Quảng Bình, nơi Trần Đương đã được “thử lửa” trong những năm tháng thật là kỳ diệu.
Là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Cộng hòa Liên bang Đức, là giảng viên văn học và ngôn ngữ Đức tại một số trường Đại học, cộng tác viên tích cực của Viện Goethe – Hà Nội và một số cơ quan đại diện khác của Đức ở Việt Nam, Trần Đương đã góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Năm nay đã ở tuổi 74, Trần Đương vẫn say sưa làm việc, có những ý tưởng về sáng tác và dịch thuật. Tôi chân thành chúc anh mạnh khỏe để thực hiện các dự định đó, đem lại những niềm vui cho bạn bè, gia đình và cho chính anh trên con đường phấn đấu để làm nên những gì có nhiều ý nghĩa nhất cho cuộc đời.
Lê Ngọc Y
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000