Kim Anh (ngụ Bình Dương) sinh ra trong gia đình giàu có, cha mẹ là chủ doanh nghiệp nên từ nhỏ cô được sống trong sung túc. Học xong cấp 3 ở Việt Nam, Kim Anh được đầu tư du học ngành Quản trị kinh doanh ở New Zealand. Với mức học phí khoảng 25.000 USD/năm cùng với chi phí ăn ở, đi lại, sau 4 năm đại học cô cho biết đã tiêu hết của ba mẹ khoảng 5 tỷ đồng.
Tốt nghiệp, Kim Anh được nhận vào làm việc tại một siêu thị nhỏ ở New Zealand với mức lương hơn 1.500 USD/tháng. Tuy nhiên, cô sau đó được ba mẹ yêu cầu quay về Việt Nam làm việc và lập gia đình. Về Bình Dương, Kim Anh nhiều lần mang hồ sơ đi xin việc, nhưng không thể tìm được việc phù hợp.
'Thật sự thì có nhiều công ty nhận, nhưng mình không hài lòng với mức lương. Hơn nữa mặc dù học ngành Quản trị kinh doanh, nhưng hầu hết công ty phân mình về làm văn phòng hoặc dịch thuật. Suốt ngày ngồi làm văn bản, giấy tờ nên chỉ làm được vài tháng là mình nhảy việc', Kim Anh cho biết.
Một năm sau khi về nước, Kim Anh đã ba lần nhảy việc và vẫn chưa tìm được công việc như ý. Quá chán nản, cô quyết định nghỉ làm và xin vốn của ba mẹ để mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhỏ. Từng là nhân viên quản lý ở siêu thị, nhưng khi tự đứng ra kinh doanh, Kim Anh gặp không ít khó khăn.
'Cửa hàng mới mở nên khách hàng ít, trong khi phần lớn thực phẩm tươi sống và rau xanh không để được lâu nên mình lỗ nhiều', Kim Anh chia sẻ và cho biết đã bỏ ra gần một tỷ đồng để thuê mặt bằng, xây cửa hàng và mua sắm vật dụng nhưng phải chịu lỗ để sang lại cho người khác. Cô sau đó mở cửa hàng bán tạp hóa, hiện hàng tháng cho thu lãi 15-20 triệu đồng.
'Không thể đong đếm việc bỏ ra tiền tỷ để du học mang về được giá trị gì, không cứ phải đi học ở nước ngoài về thì lương sẽ cao hơn. Tôi vẫn thấy việc du học giúp tôi rất nhiều, nhất là có cái nhìn rộng hơn ra thế giới bên ngoài, cách suy nghĩ cũng thoáng hơn', Kim Anh chia sẻ.
Khá bằng lòng với công việc hiện tại, Kim Anh cho biết trước mắt sẽ bán tạp hóa để lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị mini và việc học Quản trị kinh doanh đã giúp ích cô rất nhiều với dự định này.
Từng du học ở Anh theo dạng tự túc, sau 4 năm học với mức chi phí hơn 4 tỷ đồng Ngọc Hà (quận 7, TP HCM) sau đó xin vào làm ở một tập đoàn lớn, chấp nhận khởi đầu với mức lương 10 triệu/tháng.
'Mức lương ban đầu không nói lên vấn đề gì cả. Chính 4 năm du học giúp mình trưởng thành rất nhiều', nữ nhân viên làm văn phòng cho biết.
Là con một trong gia đình, ba mẹ đều là cán bộ nhà nước, mặc dù không thuộc hàng giàu có, nhưng cha mẹ vẫn quyết tâm cho Ngọc Hà theo học chương trình đại học ở nước ngoài.
'Thật ra lúc đi mình không tìm hiểu nhiều, thấy bạn bè đi như một trào lưu nên cũng một hai đòi ba mẹ cho đi bằng được. Khi sang tới nơi mình đã phải nếm trải rất nhiều khó khăn', Ngọc Hà chia sẻ.
Với khả năng tiếng Anh, ngay khi về nước Ngọc Hà dễ dàng tìm kiếm được việc làm. Nhưng sau 2 năm và trải qua 3 lần nhảy việc, cô mới hài lòng với vị trí hiện tại.
'Thật ra mức lương này không cao so với số tiền mình bỏ ra đi học. Nhưng theo mình không cứ phải du học về là phải làm ông này bà nọ với mức lương khủng, cơ bản là mình phải biết hòa nhập', Ngọc Hà nói và cho biết nhiều bạn bè của cô du học về đều chấp nhận mức lương khởi điểm 6-7 triệu đồng/tháng.
Nhiều năm gom góp tiền cho con du học, chị Thu Minh (quận 5, TP HCM) cũng cho biết sẵn sàng bỏ tiền tỷ chỉ với mong muốn con được tiếp thu nền giáo dục tốt. 'Thật ra nếu tính việc sau này con mình về nước làm việc với mức lương bao nhiêu thì tôi đã lấy số tiền đó cho vay lấy lãi rồi', chị Minh nói.
Là nhân viên văn phòng chị Minh cho rằng việc con mình du học ở Mỹ sẽ giúp em tự tin hơn khi về Việt Nam làm việc.
Con chị cũng có thể dễ dàng xin vào làm việc ở một công ty đa quốc gia và bắt kịp tốc độ làm việc của họ.
Hiện tại con gái của chị đang theo học ngành Truyền thông ở hệ thống trường Kingsborough Community College - CUNY (cao đẳng cộng đồng) với mức học phí ở 20.000-25.000 USD/năm.
*Tên một số nhân vật đã thay đổi.
Nguyễn Loan / vnexpress.net
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000