3 nguyên tắc cơ bản khi lập nghiệp

Sau khi rời ghế nhà trường, chắc hẳn ai cũng có nhiều hy vọng và nhiệt huyết. Không ít những bạn học của tôi đã từng mơ ước góp phần tạo nên 1 xã hội tốt đẹp, không tham nhũng, không hối lộ, làm việc và được trả công đúng theo năng lực.

3 nguyên tắc cơ bản khi lập nghiệp

Nhưng cuộc sống thật không đơn giản như vậy. Hiếm ai có được ngay thành công từ bước đầu, và sau nhiều lần vấp ngã, những ai còn giữ được ý chí cũng như định hướng của mình, người đó sẽ thành công.

Vậy bạn sẽ phải giữ những nguyên tắc gì trên con đường lập nghiệp ?

1. Làm việc đúng luật pháp:
Một điều tưởng đơn giản nhưng lại có ranh giới khá mong manh. Bước vào thương trường, mục tiêu của tất cả mọi người là tìm kiếm lợi nhuận, nhưng không phải ai cũng đủ khả năng để làm những công việc mang lại lợi nhuận cao, và đối với 1 số người, họ không bằng lòng với vị trí của mình, từ đó tìm đủ cách “lách luật” hoặc cố tình phạm luật để thu lợi bất chính. Các hành vi như ăn cắp bản quyền, gian lận sổ sách, đút lót hối lộ … dường như đã được “bình thường hóa” trong xã hội Việt Nam. Bạn là 1 doanh nghiệp trẻ, nếu muốn có 1 môi trường kinh doanh lành mạnh, hãy tập nói “không” với các tệ nạn trên. Bạn hãy nhớ, trong 1 xã hội công bằng, kẻ phạm pháp sẽ không tồn tại được lâu.

2. Làm việc đúng lương tâm:
Lương tâm nghề nghiệp là 1 điều quan trọng mà hiện nay xã hội Việt Nam còn thiếu rất nhiều. Bất kỳ đâu bạn cũng có thể gặp cảnh Y tá tiêm bệnh nhân kêu oai oái nếu không nhận được tiền “lót tay”, bác sỹ lắc đầu từ chối mổ khi chưa nhận được “quà biếu”, giáo viên “đì” học sinh vì không đi học thêm, công an “làm tiền” dân, doanh nghiệp bán thông tin của khách hàng để thu lợi bất chính … Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu lương tâm nghề nghiệp.

Lương tâm nghề nghiệp của 1 doanh nghiệp thể hiện qua các công việc nhỏ nhặt hàng ngày như: bán hàng đúng giá, đúng chất lượng và dịch vụ đã cam kết, làm đúng và đủ trách nhiệm của mình. Cạnh tranh lành mạnh, không “chơi xấu” đối thủ cũng được các nước phát triển rất quan tâm. Ví như khi bạn làm phóng viên cho các báo điện tử, viết blog kiếm tiền thì những việc như thêm bớt sự thật là 1 việc làm vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Những ai giữ được nguyên tắc cơ bản thứ 2 này, người đó sẽ hoàn thành tốt công việc và tiến xa.

3. Làm việc đúng khả năng:
“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Hẳn ai ai cũng đã từng nghe qua câu nói này, nhưng thực tế xã hội vẫn có những ông Tổng với bằng cấp giả, vẫn có những người bỏ tiền “mua quan”, hối lộ để cho con học đại học … Những người không đủ năng lực sẽ không thể làm việc, điều hành hay sáng tạo ra các giá trị xã hội, mà ngược lại, họ luôn lo lắng và nghĩ cách kìm hãm công việc, tạo ô dù và gây bất lợi cho những người có khả năng thật sự. Cái lợi trước mắt đi kèm với những nguy hiểm tiềm tàng, khi mà những việc làm sai lầm có thể phải trả giá bằng mạng sống, tương lai của chính họ.

Ai cũng có những ước mơ chắp cánh bay xa, nhưng những ai biết rõ và khai thác được khả năng thật của mình, người đó sẽ thành công.

Giáp Hùng Cường


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức