Nhiều du học sinh tốt nghiệp ở trời Tây có nguyện vọng được công tác tại các cơ quan nhà nước. Nhưng cơ hội dành cho họ là chưa nhiều vì... thiếu thông tin.
"Gia đình có khả năng lo cho tôi du học tự túc thì lương bổng với tôi không phải là vấn đề quan trọng nhất. Điều tôi mong muốn hơn là trực tiếp đóng góp chút gì đó cho quê hương khi quay trở về. Nhưng không hiểu sao nhiều cơ quan trong nước từ chối tôi", Anh Vũ, từng học ở Canada, buồn bã nói.
Anh Vũ, tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin ở Canada, đang công tác trong Khu Công nghiệp phần mềm Quang Trung. Vũ cho biết, khi còn học ở nước ngoài, đã gửi thư xin việc tới nhiều đơn vị trong nước nhưng anh ít khi nhận được thông tin phản hồi. Có đơn vị yêu cầu bổ sung thêm các thủ tục. Tuy nhiên, sau khi Vũ hoàn tất thủ tục và liên hệ lại thì đơn vị này "làm lơ" không trả lời.
"Nguyện vọng ban đầu của tôi khi về nước là muốn gần gia đình và được phát huy kiến thức của mình tại một cơ quan, doanh nghiệp trong nước. Bây giờ tôi đang làm cho một công ty vốn nước ngoài, công việc ổn định, lương khá, nhưng nhớ lại con đường tìm việc của mình, tôi vẫn oải quá", Anh Vũ tâm sự.
Thanh Long, tốt nghiệp cao học ngành Hệ thống thông tin quản lý ở Mỹ, cũng đang công tác tại một cơ quan đại diện nước ngoài với mức lương cao, nhưng anh không nghĩ công việc đã ổn định.
Khi du học anh luôn tâm niệm về nước làm việc để có cơ hội phát huy khả năng hơn và vốn là một người từng hoạt động Đoàn, anh muốn được "cống hiến nhiều hơn". Tuy nhiên, xin vào được một cơ quan nhà nước, đối với anh không dễ.
"Làm việc phải tính tới thu nhập. Nhưng ngoài mưu sinh, tôi cũng muốn tham gia đóng góp trực tiếp vào các cơ quan nhà nước hơn là làm công đơn thuần. Tôi sẵn sàng chuyển sang cơ quan nhà nước nếu họ tuyển dụng với thu nhập bằng 2/3 công ty tôi đang làm", anh Long nói.
Cũng như Anh Vũ, Thanh Long, nhiều du học sinh sau khi kết thúc thời gian tu nghiệp đã không thể chủ động tìm được công việc thích ứng với khả năng của mình ở các đơn vị, doanh nghiệp trong nước.
Theo nhiều ý kiến, điều khó khăn nhất cho họ là thiếu thông tin tuyển dụng từ những đơn vị, doanh nghiệp này. Các công ty, cơ quan quản lý nhà nước rất ít khi thông báo thông tin tuyển dụng rộng rãi, nhất là chức danh quản lý.
Cũng vì thông tin "đóng" như vậy, du học sinh khó nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, khó tìm hiểu thêm chức năng hoạt động của những đơn vị nhà nước.
Thanh Long cho biết, ngay từ khi còn đang học tập các du học sinh Việt Nam đã quan tâm rất nhiều đến công việc khi về nước. Những thông tin khó khăn khi tìm việc khiến họ ngần ngại trước các quyết định. Không ít bạn đồng môn của Long đã ở lại nước ngoài hoặc xin thẳng vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Không chỉ người du học tự túc, du học sinh trong Chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ của TP HCM cũng có bức xúc về những bất cập trong cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân sự của các sở, ngành hiện nay.
Tại một buổi trao đổi trực tiếp tâm tư, nguyện vọng với lãnh đạo TP HCM, Trần Tuấn, tốt nghiệp ngành Thương mại quốc tế ở Mỹ, cho biết, công việc đơn giản, nhàm chán mà anh đang làm tại một đơn vị nhà nước trên địa bàn khiến anh bi quan về tương lai của mình.
Tuấn kể, trong một thời gian dài, công việc chính của anh chỉ là đánh máy, nhập dữ liệu. Khi có đoàn khách nước ngoài đến thì anh được cơ quan cử làm thông dịch vì giỏi... ngoại ngữ, với mức thu nhập bình quân một tháng chỉ hơn 500.000 đồng.
Cũng là một thành viên trong Chương trình 300 thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố, Trọng Hiếu - đang làm việc ở Khu Công nghệ cao TP HCM - cho rằng nguyên nhân tình trạng trên xuất phát từ cả hai phía.
Anh Hiếu phân tích, du học sinh xa nước lâu ngày, thiếu thông tin, khi trở về dễ hoang mang, mất phương hướng, chán nản và không hoà đồng được với điều kiện chung. Hơn nữa, nhiều du học sinh tự đánh giá mình quá cao trong khi họ lại quên mất một điều là nhà tuyển dụng cũng đòi hỏi cao.
Nếu chỉ có kiến thức ở nước ngoài mà chưa có kinh nghiệm thực tế thì chưa chắc đã được tuyển dụng hoặc tuyển với mức lương thấp hơn du học sinh yêu cầu.
Về phía các nhà tuyển dụng, anh Hiếu phản ánh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu tuyển dụng thường liên hệ trực tiếp với các công ty "săn đầu người", còn các đơn vị trong nước chỉ thông báo nội bộ. Thông tin đăng công khai của công ty trong nước nhiều khi chỉ mang tính hình thức.
"Thông tin việc làm của Việt Nam chưa chuyên nghiệp chính là yếu tố căn bản gây khó cho các du học sinh khi về nước", Hiếu nói.
Theo TP.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...