Du học sinh tại Đức: Làm thêm không đơn giản!

 Ngày càng có nhiều học sinh – sinh viên Việt Nam sinh sống và học tập ở nhiều nước trên thế giới. Trong những thắc mắc thì có một câu hỏi “thường trực” của nhiều bạn là việc làm thêm ở nước, thành phố mình mong muốn đến sẽ như thế nào. 

Có thể trả lời ngay là không đơn giản.

Không phải muốn là được

Có nhiều lý do để các bạn muốn đi làm thêm như để cải thiện khả năng ngoại ngữ còn hạn chế, để nhanh chóng hòa nhập vào nước sở tại và để có thể kiếm thêm tiền thù lao. Những mong muốn ấy của các bạn, nhất là các bạn phải đi du học tự túc, tự chi trả toàn bộ mọi chi phí thì hoàn toàn chính đáng và đáng trân trọng.

Nhưng, việc làm thêm không phải muốn là có ngay lập tức.

sinh vien lam them o duc

Nếu du học sinh muốn làm thêm ở Đức hãy tuân thủ dúng pháp luật. - Ảnh: INTERNET

Nhiều bạn đi du học tự túc, có suy nghĩ từ khi còn ở Việt Nam là khi đến nơi sẽ làm thêm ngay lập tức, vừa có tiền để chi tiêu, vừa giúp đỡ gia đình khi không phải gửi tiền sang.

Tuy nhiên, khi mới sang thì có rất nhiều việc phải lo, có nhiều thủ tục, giấy tờ phải hoàn tất và khi chưa ổn định, chưa quen “đường đi, nước bước” thì thật khó để có công việc làm dù chỉ là làm cuối tuần.

Bên cạnh đó, mỗi nước đều có những quy định rất rõ ràng về việc làm thêm của các sinh viên nước ngoài.

Họ quản lý rất chặt chẽ và những công việc làm của du học sinh nếu không có hợp đồng, hoặc trái với quy định hiện hành đều là vi phạm và bị phạt rất nặng cả người chủ lẫn người làm thuê.

Một số cửa hàng, tiệm ăn do người Việt làm chủ có thể tạo điều kiện cho các bạn du học sinh nhưng cũng rất ít người “can đảm” giúp đỡ khi mà họ thừa biết nếu không rõ ràng thì chính là đang vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hiện nay nhiều cửa hàng tại Đức chẳng hạn, phải đóng cửa, phải buôn bán, hoạt động cầm chừng thì họ cũng không có nhu cầu thuê thêm nhân viên.

Tình hình khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đã làm cho nhiều người thất nghiệp, nhiều thanh niên ở các nước ngoài như Nga,Ukraine hay Cộng hòa Séc đổ xô sang Đức tìm việc.

Họ có thể làm cả ngày, làm với thù lao thấp hơn một chút và như vậy có thể “ăn đứt” so với các bạn sinh viên khi chỉ có thể làm một vài buổi trong tuần.

Khi mà rất nhiều thông tin đăng trên “tường” Facebook của các Hội du học sinh về tìm việc làm đã nhận được rất ít sự tư vấn, giới thiệu hay giúp đỡ gì của các thành viên khác. Khả năng “điền vào chỗ trống” cho một công việc nào đó là hoàn toàn khó.

Những việc làm thêm ở trường như trợ giúp các giáo sư, làm ở phòng thí nghiệm, cùng với Hội sinh viên thực hiện 1 dự án nào đó luôn là mong muốn của rất nhiều sinh viên và khả năng để “trúng cử” các vị trí này là không dễ.

Ảnh hưởng đến việc học

Khi du học sinh làm thêm những công việc như bồi bàn, phụ quán ăn, trông trẻ thì ít nhiều đều có ảnh hưởng nhất định đến việc học.

Cho dù qua đó, du học sinh cũng có thêm trải nghiệm, có thêm ít nhiều thông tin nhưng vẫn là không bằng công sức mà mình đã bỏ ra.

Làm việc mệt mỏi, thời tiết thất thường đã làm cho nhiều du học sinh chỉ có thể “nằm dài” sau mỗi buổi làm về mà quên hết bài vở dù đã có những quyết tâm rất cao.

Một ảnh hưởng nữa đối với du học sinh trong quá trình làm thêm là vì có thêm tiền nên đôi khi chấp nhận “hy sinh” vài buổi học để đi làm khi người chủ cần.

Dần dần, nó thành thói quen và muốn đi làm nhiều hơn đi học, cộng với bài vở không theo kịp đã làm cho nhiều du học sinh ngày một rời xa giảng đường, thư viện. Ảnh hưởng ấy là những môn phải thi lại, học lại, những kiến thức “thiếu trước, hụt sau” và thời gian không dừng lại để ai đó có thể làm lại từ đầu.

Cá nhân người viết bài này không cho rằng đi làm thêm là xấu, là chỉ có “hậu quả” mà không có kết quả. Tuy nhiên, mỗi bạn khi có những mong muốn đi du học thì cần xác định việc học phải là quan trọng nhất.

Việc làm thêm hoàn toàn không đơn giản như nhiều bạn nghĩ và cũng hoàn toàn không thể làm ngay khi mới “chân ướt, chân ráo” đến một đất nước xa lạ.

 

 Nguyễn Quốc Vỹ - DHS tại Đức

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC