Chắc chẳng có ai như mình, đi du học ở Đức mà tiếng Đức chỉ dừng lại ở việc biết đọc bảng chữ cái và đọc số.
Từ sau khi nhận được kết quả là mình đã học tiếng Đức rồi.
Nhưng học được có 10 buổi thì đi nước ngoài 2 tuần, về quên gần hết. Học thêm được gần 1 tháng nữa là bước chân lên máy bay sang bên này luôn.
Sang đây lại bị lỡ mất buổi đăng ký học thêm tiếng Đức nên thành ra trình độ tiếng Đức vẫn dậm chân tại chỗ.
Một số người hỏi mình là ở đây 3 tháng không biết tiếng mà không sợ à. Mình toàn cười bảo, em vẫn “survive” (tồn tại) mà:)) Cũng may là Jena là một thành phố đông sinh viên và cực kỳ nhiều sinh viên quốc tế.
Thế nên khi mình dùng tiếng Anh thì họ cũng chuyển sang nói tiếng Anh với mình luôn. Mình chưa gặp vấn đề gì do không thể giao tiếp được cả.
Từ lúc sang đây thì cái mình được nghe nhiều nhất là mấy từ Hallo (xin chào), Tschüß (tạm biệt), Danke (cám ơn) và Bitte (không có gì).
Tần suất nói từ Hallo nhiều lắm luôn ý.
Vừa mới vào cửa hàng, khách hàng sẽ nói Hallo và nhân viên bán hàng Hallo lại luôn.
Ok, cái này bình thường, chưa nói làm gì. Nhưng mà lúc thanh toán ở siêu thị, nhân viên siêu thị và người mua cũng Hallo. Vào trong thang máy, 2 người chẳng quen biết gì nhau Hallo. Mở cửa gặp một người bước ra cũng Hallo.
Đang xem một bức tranh thấy 2 người đi qua lại Hallo.
Đi trên đường cầm theo cái nồi nướng mà 2 ông bà già cũng Hallo, hỏi đi đâu đấy. Bảo đi nướng thịt, thế là họ nói “schön Tag” (chúc ngày tốt lành) rồi Tschüß (tạm biệt) và đi:))
Hồi mới sang mình chưa quen, thấy người lạ mà cứ Hallo Hallo là buồn cười.
Mà tiếng Đức lại trầm trầm. Khi nói Hallo họ nói chậm rãi, kéo dài giọng chứ không phải chỉ Hi một cái như tiếng Anh là xong:)
Đã xin chào thì phải tạm biệt nhé.
Một lần thầy giáo môn Typology của mình bảo có những ngôn ngữ mà thường dùng rất ít các câu chào hỏi như xin chào và tạm biệt.
Nghe nói đến thế thì mình gật đầu lia lịa. Thầy thấy mình gật gật thì hỏi mình trong tiếng Việt, lúc nói điện thoại thì có nói tạm biệt không. Mình bảo chẳng bao giờ (có khi nói tạm biệt lại còn bị bảo là hâm:))
Thầy cười bảo thế chỉ “OK, OK rồi fade out (nói nhỏ dần dần) thôi à”. Thầy còn bảo trong tiếng Đức, nếu thầy không nói Tschüß với bạn thầy thì chắc nó sẽ gọi điện lại để hỏi “tại sao ông không Tschüß tôi??” :))
Bên này cũng hay nói cám ơn lắm luôn.
Nộp bản nháp bài luận cho cô giáo qua email mà cô cũng thank you lại. Vấn đề là 1 lớp hơn 30 người. Cô nhận được 30 cái email và cô thank you lại từng người chứ không phải chỉ thank you với lớp trưởng (bên này còn chẳng có lớp trưởng đâu).
Mà nộp bài cho cô là để cô chữa hộ. Sinh viên chưa thank you cô thì thôi, cô lại thank you lại:)) Bên này mình cũng hay phải thuyết trình.
Thuyết trình xong thì thầy giáo nhận xét rồi thank you. Giáo viên coi bài thuyết trình của sinh viên là đóng góp cho lớp học nên cám ơn. Mình về chỗ rồi, thầy lên trước lớp giảng lại qua một lần nữa rồi lại quay sang bọn mình thank you.
Mình để quên tờ giấy trên bàn thầy, thế là thầy mang xuống tận nơi cho mình, lại thank you thêm lần nữa:))
Lúc đi siêu thị, đưa tiền hay thẻ cho nhân viên thì bao giờ họ cũng Danke.
Mà lịch sự của lịch sự là gì. Khi mình nghe người khác Danke thì mình phải Bitte lại (ý là không có gì:))
Người ta Danke schön (cám ơn rất nhiều) thì mình cũng phải Bitte schön (tạm dịch: không có gì rất nhiều:)))) Hầu như lần nào thanh toán ở siêu thị, mình cũng nghe được 1 tràng: Hallo – Danke – schön Tag – Tschüß.
Người ta hay nói người Đức lạnh lùng, khó gần nhưng không biết có phải vì mình sống ở thành phố đông sinh viên hay không mà mình thấy người Đức cũng khá thân thiện.
Hôm nọ đi học về mệt nên lúc thanh toán tiền ở siêu thị, mình đưa thiếu. Cũng là vì mới sang nên mình chưa quen mặt tiền xu. Thế là trong lúc đang loay hoay lôi ví ra lấy thêm tiền, anh đứng đằng sau đã nhanh nhen trả chỗ tiền thiếu cho mình, lại còn đưa mình tiền thừa:)) Mình cám ơn rối rít và bảo không cần, mình có tiền mà nhưng anh ý bảo không có gì và schön Tag với mình.
Con trai Đức thì chắc đạt đến cảnh giới của gallant rồi.
Lúc mở cửa đi vào các tòa nhà, bao giờ họ cũng đẩy cánh cửa ra rất rộng để người đằng sau đi qua. Nếu cửa nó nhẹ như ở Việt Nam thì chẳng nói làm gì. Đằng này cửa nặng trình trịch, mở cửa mà như tập gym.
Mỗi lần mở cửa là mình phải gồng sức lên, tay kéo cửa ra rồi dùng chân đẩy:)) Thế nên bây giờ mỗi lần chuẩn bị đi vào mấy tòa nhà là toàn nhìn lén xung quanh xem có bạn nam nào không. Nếu có thì thể nào bạn ý cũng xông lên mở cửa trước và giữ cửa cho:)))) Thậm chí kể cả mấy lần họ đi trước mình đến cả 5m, họ vẫn lịch sự đứng lại giữ cửa cho mình. Dã man! Hôm nọ về nhà, mình đang lúi húi mở hòm thư xem có nhận được thư không.
Thế là có bạn đằng sau đi đến, nói Hallo. Mình nhìn đằng sau để xem có đúng là bạn ý đang Hallo mình không rồi mới Hallo lại:)) Sau đó bạn ý mở cửa, giữ cửa, đợi cho mình lấy thư xong, khóa hòm thư lại và đi vào rồi bạn ý mới vào trong. Hoặc như lần trước, mình đến văn phòng Hỗ trợ sinh viên để hỏi về thẻ sinh viên. Đứng đấy gõ cửa, đợi đến 10 phút mà không thấy ai mở cửa.
Có một bạn nam đến sau mình. Đợi một lúc thì bạn ý đi ra bên ngoài. Mình nghĩ chắc giờ này phòng Hỗ trợ sinh viên không làm việc nên cũng ra ngoài hỏi xem sao. Ra bên ngoài hỏi thì họ bảo vẫn làm việc mà thế nên mình lại quay lại. Lúc này có nhân viên trong phòng đi ra và bạn nam kia đã đứng đó rồi. Cô nhân viên bảo mình là sẽ gặp bạn nam kia trước và gặp mình sau (vì khi mở cửa, cô ý thấy bạn nam kia trước).
Mình OK thôi nhưng bạn kia nói gì bằng tiếng Đức với cô ấy và cô ấy gọi mình vào luôn, để bạn nam kia vào sau:) Chẳng nói đến người trẻ, đến cả những ông già cũng rất lịch sự đứng lại giữ cửa cho bọn mình. Sang đây rồi mới thấy được văn minh châu Âu nó là thế nào. Nước Đức đúng là đạt đến độ văn minh rất chuẩn rồi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Xuân Hương Giang -Janny Nguyen Blog
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...