Thẩm tra APS là gì – Tất tần tật khi du học Đức cần phải biết

APS thẩm tra liệu sinh viên xin du học có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học ĐH tại Đức, đồng thời thẩm tra các chứng chỉ học tập.

 

1 1 Tham Tra Aps La Gi  Tat Tan Tat Khi Du Hoc Duc Can Phai Biet

1. APS là gì

Từ ngày 1-1-2007, tất cả sinh viên muốn sang Đức du học, phải nộp hồ sơ tại Bộ phận Kiểm tra học vấn (Akademische Prüfstelle – APS), thuộc Phòng lãnh sự và thị thực Đại sứ quán Đức tại Hà Nội thẩm tra.

Như vậy, điều này bắt buộc sinh viên nộp hồ sơ thẩm tra APS trước khi xin học tại trường ĐH ở Đức và trước khi nộp đơn xin thị thực ở Đại sứ quán Đức tại Hà Nội hay Tổng Lãnh sự quán tại TP.HCM.

Sau khi thẩm tra, nếu sinh viên đạt đầy đủ các yêu cầu sẽ được APS cấp cho một chứng chỉ hay một giấy chứng nhận (cho các khóa học thuần túy nghệ thuật). Chứng chỉ hay chứng nhận này là một trong những điều kiện để được nhập học tại một trường ĐH của Đức. Các chứng chỉ và giấy chứng nhận có hiệu lực vô thời hạn.

2. Đối tượng nào phải qua APS?

Đối với những người xin du học những ngành học thuần túy nghệ thuật và những người xin làm nghiên cứu sinh, APS được thực hiện theo thủ tục đơn giản chỉ gồm có việc thẩm tra giấy tờ mà không cần phỏng vấn.

Điều kiện để được nhập học ĐH tại Đức: đã học ít nhất một học kỳ tại một khóa ĐH chính quy của một trường ĐH được công nhận tại Việt Nam sẽ được nhận vào dự bị ĐH/thi đầu vào; đã học ít nhất bốn học kỳ tại một khóa ĐH chính quy của một trường ĐH được công nhận tại Việt Nam sẽ được nhận thẳng vào ĐH theo ngành học ở Việt Nam.

Thủ tục APS-Thông thường dành cho những sinh viên và những người đã tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam muốn xin học tại một trường ĐH hoặc trường ĐH (FH) hoặc ở một trường dự bị ĐH của Đức.

Những sinh viên và những người đã tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam muốn xin học tại một trường ĐH mỹ thuật hoặc một nhạc viện của Đức. Những quy định này chỉ dành cho những ngành học thuần túy nghệ thuật như hội họa, múa, dương cầm (không dành cho những ngành học design hoặc sư phạm).

Những người xin làm nghiên cứu sinh ở một trường ĐH Đức. Điều kiện để làm nghiên cứu sinh là phải có giấy đồng ý hướng dẫn của giáo sư ở một trường ĐH Đức. Những người xin du học đã nhận được một học bổng từ công quỹ của CHLB Đức (ví dụ như của DAAD hoặc từ quỹ của một Tổ chức chính trị Đức) hay của Bộ GD-ĐT Việt Nam – MOET – và được chuyên gia Đức lựa chọn ở Việt Nam không cần thông qua APS.

3. APS thẩm tra gì?

APS khẳng định liệu sinh viên xin du học có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học ĐH tại Đức hay không bằng cách: thẩm tra tính xác thực của các giấy tờ mà sinh viên nộp và mời sinh viên đến phỏng vấn.

Mỗi cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng 20-30 phút, sinh viên sẽ được hỏi về quá trình học ĐH trước đó của mình. Như vậy APS thẩm tra xem kiến thức của sinh viên có phù hợp với các chứng chỉ mà sinh viên đó đưa ra hay không.

Cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh tùy theo nguyện vọng của sinh viên. Đây không phải là một cuộc thi ngoại ngữ. Tuy nhiên sinh viên phải đủ khả năng giao tiếp với những người phỏng vấn, có nghĩa tối thiểu nên có trình độ sơ cấp loại giỏi.

Nếu kết quả thẩm tra tốt, sinh viên sẽ nhận được 10 chứng chỉ bản gốc. Với các chứng chỉ này sinh viên có thể làm thủ tục xin nhập học tại các trường ĐH Đức và sau khi có giấy nhập học của một trường ĐH, sinh viên có thể nộp đơn xin cấp thị thực tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM. Nếu cần thêm chứng chỉ sinh viên có thể làm đơn xin cấp tại APS.

4. Thủ tục hồ sơ và phỏng vấn tại APS gồm những gì?

Thủ tục của APS về cơ bản gồm: thẩm tra hồ sơ; phỏng vấn (chỉ đối với Thủ tục APS-Thông thường); cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận. Tiếp theo đó xin học tại các trường ĐH Đức, xin cấp thị thực tại Đại sứ quán Đức hoặc Tổng lãnh sự quán Đức tại TP.HCM (thời gian làm thủ tục thị thực khoảng 4 tuần).

Các cuộc phỏng vấn diễn ra hai kỳ mỗi năm vào tháng 11 và tháng 5. Thời gian tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp vào thứ hai và thứ tư hàng tuần, từ 8g30 đến 11g30.

Hồ sơ xin học cho học kỳ mùa hè phải nộp chậm nhất là trong tháng 9 năm trước và của học kỳ mùa đông phải nộp chậm nhất là trong tháng 3. Nếu hồ sơ được gửi qua bưu điện đến APS thì ngày Đại sứ quán nhận được chậm nhất là 30-9 hoặc 31-3 (tất cả các giấy tờ của Việt Nam đều phải nộp dưới dạng dịch công chứng sang tiếng Đức hoặc tiếng Anh).

Riêng đối với các thủ tục không kèm phỏng vấn, hồ sơ có thể nộp bất kỳ lúc nào, không có thời hạn.

Khi phỏng vấn cần có mặt đúng giờ hẹn phỏng vấn và mang theo hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân. Nếu vắng mặt sẽ được đánh giá là không đạt. Cuộc phỏng vấn sẽ được thực hiện bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh theo lựa chọn, bao gồm phần chuẩn bị bằng hình thức viết và phần vấn đáp. Được phép sử dụng từ điển, thước kẻ và bút. Không được phép sử dụng các phương tiện hỗ trợ khác như từ điển điện tử…

Sau khi thẩm tra APS đạt kết quả tốt, người phỏng vấn sẽ nhận được 10 chứng chỉ bản gốc. Nếu cần thêm chứng chỉ để sử dụng nộp hồ sơ xin vào các trường, người phỏng vấn có thể làm đơn xin cấp tại APS.

Nếu không đạt, cuộc phỏng vấn có thể được thực hiện lại sau đó 6 tháng (có thể xin phỏng vấn lại qua Fax hoặc Email). Mỗi người được phép xin phỏng vấn lại 2 lần.

Cấp thị thực đi du học tại Đức

Thông thường nếu có đầy đủ hồ sơ, thời gian xét đơn xin cấp thị thực sẽ là 4 tuần. Người đặt đơn xin cấp thị thực phải trực tiếp đến nộp hồ sơ tại Phòng Thị thực của Đại sứ quán Đức (từ 8g30 đến 11g30, thứ hai đến thứ sáu). Đại sứ quán chỉ nhận đơn với đầy đủ hồ sơ.Sau khi việc xét hồ sơ kết thúc và đã được nhân viên của APS phỏng vấn, sinh viên sẽ được nhận một giấy chứng chỉ. Với chứng chỉ này sinh viên có thể đăng ký học tại một trường ĐH tại Đức. Giấy chứng chỉ do APS cấp là điều kiện để xét đơn xin cấp thị thực đi học tiếng, học dự bị ĐH hoặc học ĐH tại Đức.

Những giấy tờ và văn bằng (bản chính hoặc bản sao công chứng) cần phải nộp kèm theo đơn. Tất cả các giấy tờ phải có hai bản sao kèm theo. Bộ hồ sơ gốc sẽ được trả lại cho người đặt đơn sau khi có quyết định về đơn xin cấp thị thực.

Theo đó, hồ sơ gồm đơn xin cấp thị thực (3 bản; mẫu đơn được phát miễn phí tại Đại sứ quán, đơn có thể khai bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh);

4 ảnh mới chụp, nền trắng (ghi họ tên và ngày tháng năm sinh vào mặt sau của ảnh); hộ chiếu Việt Nam hợp lệ, có chữ ký của người mang hộ chiếu; bảng tóm tắt quá trình học tập công tác bắt đầu từ khi tốt nghiệp THPT (phải ghi rõ cả thời gian không đi học và cũng không đi làm); bản chính giấy chứng chỉ của APS; chứng nhận đã đăng ký khóa học tiếng Đức tại Đức hoặc chứng nhận đã đăng ký khóa dự bị ĐH hoặc giấy báo nhập học ngành đã đăng ký tại một trường ĐH, CĐ Đức (giấy báo có điều kiện kèm theo).

Ngoài ra cần chứng minh tài chính cho thời gian cư trú tại Đức.

Theo đó, đối với du học tự túc, giấy chứng nhận có tài khoản tại một ngân hàng Đức với số tiền tối thiểu là 7.020 Euro.

Tài khoản này phải là tài khoản phong tỏa (Sperrkonto) để mỗi tháng chỉ được rút tối đa 585 Euro. Đối với người được bà con họ hàng hoặc người quen tại Đức bảo lãnh, người bảo lãnh phải làm cam kết chịu tất cả các phí tổn cho người đặt đơn trong suốt thời gian du học trước Sở Ngoại vụ.

Tùy theo từng trường hợp, Đại sứ quán có thể yêu cầu nộp thêm các giấy tờ khác. Các yêu cầu này sẽ chỉ do nhân viên nhận hồ sơ thông báo với người đi du học.

Đồng thời, người đi du học cần đóng lệ phí là 30 Euro (trả tiền mặt bằng USD, tính theo tỉ giá tại thời điểm nộp đơn). Khi nộp hồ sơ, người đặt đơn phải nộp toàn bộ số tiền lệ phí tại cửa nhận hồ sơ của sứ quán. Không hoàn lại tiền lệ phí ngay cả trong trường hợp đơn xin cấp thị thực bị từ chối.

Nguồn: duhocduc


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000