Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES, 8 học viên đi du học nghề lần này sau một quá trình nỗ lực của các bạn trong thời gian qua: từ việc học nghề tiếng Đức, học kiến thức nền đến khi xin visa để cuối cùng các bạn có được tấm visa du học nghề như ngày hôm nay.
Đoàn du học sinh lên đường học nghề tại Đức ngày 9-4
Tại lễ tiễn đoàn, thầy Nguyễn Anh Quân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm khi các em học tập tại Đức, những kỹ năng ứng xử giao tiếp trong cuộc sống và một số phong tục, văn hoá nước Đức. Đồng thời, thầy Quân cũng trao đổi về những việc cần chuẩn bị khi đến Đức và những hỗ trợ mà đại diện bên Đức giúp các bạn học sinh của mình trong suốt thời gian học tiếng và học nghề bên Đức.
Phụ huynh của du học sinh Nguyễn Thanh Phú cho biết, việc con chị đã tự định hướng được việc đi học nghề điều dưỡng ở nước ngoài thực sự là một điều khiến gia đình rất mừng. Con đã dám thể hiện sự yêu thích và quyết tâm với việc học nghề còn hơn là cứ cố thi vào một trường Đại học ở Việt Nam nhưng khi ra trường lại rất mông lung trong việc xác định rõ nghề nghiệp mà mình muốn làm. Hơn nữa, ở Việt Nam hiện nay, nghề điều dưỡng là một nghề mới, cần nhiều nhân lực chất lượng cao. Sau 3 năm học tập và làm việc tại Đức, khả năng con chị sẽ có một công việc như ý khi về nước.
Thầy Nguyễn Anh Quân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp IVES
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, sau chuyến bay dài 12 tiếng, tới Đức, đón các em tại sân bay Munich là thầy cô đại diện của Viện, các thầy cô sẽ hỗ trợ các em trong bước đầu khi sang Đức như: Đưa đón sân bay, hỗ trợ về nhà ở, các thủ tục với ngân hàng và Sở ngoại kiều thành phố… để các em yên tâm sinh sống và học tập tại thành phố sôi động bậc nhất của Đức này. 8 em lên đường lần này sẽ có thời gian học tiếng Đức trình độ B2 trong 6 tháng tại Munich. Sau đó, các em sẽ có 3 năm học nghề điều dưỡng, nhà hàng khách sạn tại hệ thống bệnh viện, khách sạn 5 sao tại Berlin.
Trong thời gian 3 năm, học viên sẽ được hưởng học bổng tối thiểu 850 EUR/tháng đối với năm thứ nhất, 950 EUR/tháng năm thứ hai và 1.050 EUR/tháng năm thứ ba. Thầy Nguyễn Anh Quân cho biết thêm, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và đây là thế mạnh của nước ta trong thời kỳ đổi mới. Ông cho biết, mục đích của IVES là chuyển giao các chương trình dạy nghề tiên tiến về Việt Nam, trong đó hiện IVES đang làm việc nhiều nhất với các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức.
Dạy nghề ở Đức được đào tạo theo 2 hình thức:
tại trường và tại doanh nghiệp.
Hình thức đào tạo kép – kết hợp học lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp – được nhiều học viên chọn lựa. Hệ thống dạy nghề của Đức có khoảng 450 mã nghề khác nhau. Điều kiện để học viên có thể tham gia học nghề tại Đức: độ tuổi 18-28 tuổi, đã tốt nghiệp THPT và theo quy định mới học viên phải đạt trình độ tiếng Đức B1/ B2, thời gian học tập kéo dài từ 3-3,5 năm.
Xuân Thanh/theo Pháp luật
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000