Bằng Diplom Universität ở Đức: Được đánh giá thế nào?

Hệ thống văn bằng ở Mỹ như sau: nếu học hệ 4 năm cấp bằng "Bachelor" (cử nhân), hệ 5 - 6 năm cấp bằng "Master" (thạc sĩ, cao học). Tốt nghiệp Bachelor loại khá giỏi được học thêm ít nhất 2 học kỳ nữa để được cấp bằng Master.

xep loai dai hoc

Hệ thống văn bằng ở Úc và một số nước cũng tương tự. Ở Đức người ta dùng bằng Diplom ví như:

"Dipl.Ingenieur", "Dipl.Kauffrau", "Dipl.designer", được dịch ra tiếng Anh là Master of Science in ... hoặc Master of Arts in .....

Ở các trường đại học tổng hợp (Universitäten) hay Đại học(Hochschulen) đều học hệ chính quy 5 - 6 năm.

Điều kiện tuyển chọn là những học sinh khá, giỏi kết thúc hệ 13 phổ thông. Nếu họ thi tốt kỳ thi cấp quốc gia, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp, được cấp bằng Diplom.

Nội dung văn bằng còn nhấn mạnh "trình độ hàn lâm viện" (Akademischer Grad).

Ở CHDC Đức cũ nhiều sinh viên học kém không hoàn thành thi đỗ các kỳ thi, thì hết năm thứ nhất, thứ hai, bị chuyển xuống học ở các trường kỹ sư, trường chuyên nghiệp hệ 4 năm, hoặc trường hợp học hết năm thứ 4 mà còn khiếm khuyết thì phải đi thực tập 2 năm nữa mới trở về trường viết luận văn bảo vệ tốt nghiệp kéo dài thêm 1 năm nữa.

Ở Tây Đức có các dạng trường đại học chuyên nghiệp (Fachhochschulen-University of Applied Sciences), trong đó có 2 hệ.

Nếu học hệ 4 năm được cấp bằng Ingenieur (kỹ sư, ở ta thường gọi là "kỹ sư thực hành") trong văn bằng có từ Diplom(FH).

Nếu học hệ 5 năm, 6 năm, thì được cấp văn bằng Diplom Cao học như đã nói trên.

(Tại Đại học Esen - Tây Đức, một GS thông tin với tôi (11/1994):

Học ngành design thực tế đại đa số sinh viên sau 7 hoặc 8 năm mới bảo vệ tốt nghiệp). Nếu có bằng kỹ sư thực hành, bằng chuyên nghiệp... được học thêm từ 2 đến 4 năm nữa và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp cũng được cấp văn bằng Diplom Cao học.

Ở CHDC Đức một số thí sinh thường đã có bằng kỹ sư, bằng chuyên nghiệp xin học tại chức ở các trường Universitäten, Hochschulen, mỗi năm học tập trung 3 tháng, sau 10 năm, thi đỗ kỳ thi cấp quốc gia, bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp mới được cấp bằng Diplom Cao học.

Ở Đức giải quyết rất linh hoạt trong việc học kém và giỏi.

Lưu học sinh Việt Nam có người đang học hệ 4 năm, sang năm thứ II nhà trường gửi học ở trường Hochschule hệ 5, 6 năm do học giỏi. Nhưng trái lại cũng có lưu học sinh đang học ở Universitäten hệ 5, 6 năm, nhưng đến năm thứ II bị chuyển xuống trường kỹ sư hệ 4 năm vì học kém.

Năm 1984 ở Trường Đại học Kỹ thuật thành phố Karl Mark, 100 sinh viên vào học thì chỉ còn 22,5 sinh viên thi đỗ tốt nghiệp, đạt 22,5%.

Diplom có nghĩa là bằng.

Tác phẩm dự triển lãm cũng được cấp bằng Diplom nhưng không phải học vị. Diplom ở các trường đại học mới là học vị Master. Nó không phải là học vị PTS, hay TS (Dr.).

Thế nhưng trong thời gian qua do sự sơ suất, nhầm lẫn ở Vụ Tổ chức Bộ GD-ĐT, do sự kém hiểu biết của quần chúng, một số người học nghiên cứu sinh ở Tiệp chưa đầy 2,5 năm với luận văn 28 trang, được cấp bằng Diplom, tự dịch ra bằng PTS, Dr.

Để làm sáng tỏ thêm về bằng Diplom-Cao học, tại cuộc gặp gỡ các cựu sinh viên Việt Nam học ở Đức với đoàn Nghị sĩ Quốc hội, Viện Hàn lâm khoa học Đức, Quốc vụ khanh của nước CHLB Đức tại hội trường lớn Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một số câu hỏi như:

"Những người học ở các trường đại học thuộc CHDC Đức cũ đỗ bằng Diplom được công nhận ở Việt Nam là "Cử nhân" (Bachelor) có đúng không ?"

GS, TS Achim Mehlhorn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp kỹ thuật Dresden, đại diện các trường đại học Đức khẳng định:

"Bằng Diplom của các Uni hay Hochschulen ở Đức không phải Bachelor mà là Master. Hệ đào tạo 4 năm ở các trường Fachhochschulen mới gọi là "Bachelor".

Với nhiều ý kiến rất sôi nổi, ông hiệu trưởng quả quyết hứa: "Trở về nước, tôi sẽ đề nghị Chính phủ CHLB Đức gửi công hàm cho Chính phủ Việt Nam yêu cầu dịch đúng ngữ nghĩa bằng cấp để khỏi cư xử oan đối với các sinh viên Việt Nam học ở CHDC Đức, không nên đánh giá thấp chương trình đào tạo của Đức".

Không biết lời hứa đó đã được thực hiện chưa?

Lâu nay bằng cấp ở ta bị đối xử cào bằng "cá mè một lứa", đến nỗi có người nói "học 3 năm rưỡi ở Úc vẫn thành "cử nhân" như học 5, 6, 7 năm ở Đức là phi lý" (chưa kể thực tập thêm 1, 2 năm).

Ông hiệu trưởng lớn tiếng:

"Vì sao người Việt Nam thích học ở Mỹ, Úc? Người Mỹ cũng phải học ở chúng tôi, như chế tạo máy chẳng hạn".

Theo TN Online.

 

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000