Cần quy chế hay cần chiến lược du học?

Cần quy chế hay cần chiến lược du học?Từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp xin cho, trong một thế giới khép kín, chuyển sang một nhà nước pháp trị trên cơ sở kinh tế thị trường trong thế giới hội nhập, chính sách du học không thể gói gọn trong khuôn khổ quốc gia như xưa; nó phải thích ứng được với thế giới hiện đại.

Vào thời cách mạng Dân chủ Tư sản Pháp, Nga Hoàng lo ngại hỏi cận thần có nên để học sinh Nga sang Pháp du học hay không, thì nhận được lời tâu: nếu cứ để sẽ mất vua, còn cấm thì mất nước, cho thấy vai trò to lớn của du học quyết định đến vận mệnh đất nước trước thế giới như thế nào, rộng hơn quyết định đến cả số phận toàn nhân loại, nếu biết rằng loài người không thể có được bộ mặt hiện đại ngày nay, nếu thiếu những bậc vĩ nhân, thiên tài trong lịch sử từng thay đổi thế giới trong mọi lĩnh vực; họ đều học, nghiên cứu, hoạt động ra khỏi phạm vi quốc gia họ.

Chiến lược du học phải thích ứng thế giới hiện đại...

Nước ta, phong trào Đông Du sang Nhật học thời pháp thuộc, hay gửi hàng vạn con em ra nước ngoài du học từ những ngày đầu kháng chiến chính nhằm mục đích trên. Hiện nay, chỉ riêng đề án 322, năm 2009 đã có 1.097 du học sinh, nếu tính từ năm 2000 lên tới 7.268, phản ảnh du học nước ta đã phần nào đặt đúng tầm quan trọng chiến lược của nó.

Tuy nhiên từ cơ chế quản lý hành chính bao cấp xin cho, dựa trên nền tảng kinh tế quản lý tập trung, trong một thế giới khép kín, phân cực, chuyển sang một nhà nước pháp trị, trên cơ sở một nền kinh tế thị trường, trong một thế giới phẳng, hội nhập toàn cầu, chính sách du học, nguồn lực, trọng dụng nhân tài, không thể gói gọn trong khuôn khổ quốc gia như xưa; nó phải thích ứng được với thế giới hiện đại.

Cần quy chế hay cần chiến lược du học?_0

Các nước được nước ta nhắm tới để tuổi trẻ du học, đa phần là những nước đã phát triển với một xã hội pháp quyền thực thụ. Người học của họ ở tuổi trưởng thành, dù học trong hay ngoài nước, kể cả sang Việt Nam, đều có đầy đủ quyền công dân, tự quyết định lấy chính mình. Việc học tập, làm việc, tham gia tổ chức xã hội, lưu trú đều thuộc phạm trù cá nhân, không phải phận sự nhà trường, hay bất cứ cơ quan chính quyền nào, (áp dụng cho cả người nước ngoài được cấp phép lưu trú).

Họ không quản lý con người, tổ chức học khép kín kiểu đơn vị hành chính ở ta: có ban cán sự, có đoàn thể, kiểm điểm, báo cáo, tổng kết, học bạ đánh giá đạo đức tư tưởng, mà cá nhân phải tự mình chủ động lên kế hoạch học tập theo lịch định chung mang tính tự chọn của nhà trường, ra trường chỉ với mỗi chứng chỉ, bằng cấp.

Cá nhân du học phải tự mình chủ động lên kế hoạch học tập theo lịch định chung mang tính tự chọn của nhà trường, ra trường chỉ với mỗi chứng chỉ, bằng cấp. Họ học cùng lúc nhiều trường hoặc nối nhau kéo dài, hoặc học rồi làm, làm rồi học, nghiên cứu, sáng tác, làm chính trị trong lúc học...Nhờ đó,  nhiều tài năng xuất chúng nảy nở ngay tuổi còn trẻ: Bộ trưởng Liên bang Đức gốc Việt Philipp Rösler tuổi 36, hay Giáo sư Ngô Bảo Châu nay tuổi 38, là như thế.

Trong khi đó, Quy chế quản lý công dân Việt Nam du học ở nước ngoài của ta lại cơ bản vẫn áp dụng mô hình quản lý lưu học sinh theo đơn vị hành chính xưa kia: Báo cáo kiểu xin- cho, du học sinh chịu sự quản lý của sứ quán... Đây là điều rất không nên, vì quan trọng là môi trường nước họ du học không thể nào áp dụng được quy chế mang tính quản lý cứng nhắc, lại rất hình thức, vừa lãng phí ngân sách, nhân sự.

Đã đến lúc ngành GD cần một chiến lược tổng thể cả về du học lẫn nguồn lực và nhân tài, được luật hoá.

Trước hết cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, không phân biệt tư nhân hay nhà nước, tự gửi nguồn lực ra nước ngoài đào tạo, và nhận nhân tài từ các nước tới, thông qua miễn giảm thuế hoặc cấp vốn ưu đãi cho những doanh nghiệp đó, hoặc cùng họ đầu tư hình thành qũy lưu học sinh kiểu „nhà nước và nhân dân cùng làm".

Trong trường hợp này cần có hợp đồng ràng buộc giữa du học sinh và doanh nghiệp giống như hợp đồng lao động do hai bên tự thoả thuận. Tương tự như vậy có thể áp dụng cho đội ngũ công chức nhà nước từ nguồn ngân sách nhà nước cân đối hàng năm với các lĩnh vực khác. Trường hợp này có thể cần quy chế chung bảo đảm giữ bí mật, an ninh quốc gia.

Chính sách nhân tài không thể áp dụng như doanh nghiệp hay công chức. Đó là vốn quý của nhân loại, hiện nay trên thế giới, không nước nào buộc được họ phải làm việc cho nước mình (ngoại trừ trường hợp cá biệt).

Nhà nước nên lập qũy nhân tài, gửi học sinh tài năng du học, đề tài được nhà nước định hướng. Với du học sinh tự túc, không những không nên và không thể áp đặt bất cứ điều kiện gì ngoài quy chế lãnh sự, luật pháp áp dụng chung cho mọi công dân ra nước ngoài, họ còn cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ thủ tục, giấy tờ.

...Đến chất lượng văn bản luật

Phân tích sâu dự thảo Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang đào tạo ở nước ngoài của ngành GD,còn thấy một vấn đề toàn cục khác trầm trọng hơn: Cả công nghệ lẫn chất lượng làm luật nước ta có khoảng cách quá xa so với các nước tiên tiến, cần được mau chóng rút ngắn.

Quy chế dự thảo này có thể coi là kết qủa sửa đổi nâng cấp thành Quyết định của Thủ tướng, từ Quy chế quản lý công dân Việt Nam đang được đào tạo ở nước ngoài, ban hành kèm Quyết định số 23 /2001/ QĐ-BGD&ĐT ngày 28/6/2001 vốn được soạn thảo cơ bản theo mô hình quản lý lưu học sinh khối xã hội chủ nghĩa trước đây, trong đó thậm chí quy định cả sinh hoạt Đoàn Thanh niên - vi phạm pháp luật nước sở tại mà không biết.

Dự thảo Quy chế mới của ngành GD chỉ đơn thuần là 1 bản quy chế, sáng tác bởi nhận thức chủ quan của người soạn thảo, không cho biết văn bản này căn cứ vào những chuẩn mực lập pháp nào, thoả mãn những đòi hỏi gì từ thực tế. Rốt cuộc góp ý một văn bản như vậy chỉ trúng đâu hay đấy. Rủi ro cho cả cấp thông qua, bởi chắc chắn người có thẩm quyền trước khi ký cũng không thể có thời gian truy tìm căn cứ pháp lý lẫn thực tế để giám định văn bản này.

Văn bản luật có nhiệm vụ đưa ra những chuẩn mực pháp lý cân đong đo đếm được, dùng để điều chỉnh một hoặc nhóm quan hệ, nếu vi phạm sẽ bị chế tài định sẵn. Đi sâu vào dự thảo quy chế, có thể thấy nhiều điều khoản đã không thoả mãn yêu cầu này. Ví dụ Điều 5: 1. Nghĩa vụ của lưu học sinh: 2. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc Việt Nam. 3. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng phong tục tập quán của nước sở tại".

Tội vi phạm pháp luật đã được Luật Hình sự điều chỉnh, đưa vào quy chế là thưà (thừa không có nghĩa vẫn đúng!); còn „nghiêm chỉnh" thuộc về ý thức, „tôn trọng" thuộc về quan điểm, tình cảm, quan hệ đôi bên; thường dùng trong tuyên bố phát ngôn, không phải là những chuẩn mực định lượng pháp lý, có thể áp dụng chế tài án phạt để thực thi nó. Những luật không định lượng như vậy, sẽ hệ lụy tất yếu khi áp dụng, „xử thế nào cũng được", là vấn đề đang bức xúc của ngành tư pháp nước ta lâu nay.

Quy chế dự thảo áp dụng trong môi trường pháp lý nước ngoài, không phải ở Việt Nam, nhưng đặc thù này đã bị bỏ qua.

Trả lời phỏng vấn báo chí, lý giải cho dự thảo quy chế lắm báo cáo xin- cho này, nhiều quan chức GD giải thích để nhà nứơc nắm tình hình, giúp đỡ hỗ trợ học sinh...Nắm tình hình là trách nhiệm của công chức nhà nước ăn lương, không được phép ảnh hưởng đến quyền độc lập học tập, lao động, lưu trú, chọn lưạ cuộc sống của từng công dân - đang  được coi là dấu hiệu để Chính phủ loại bỏ các thủ tục hành chính bất hợp lý hiện nay.

Dĩ nhiên để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, thì du học sinh phải thoả mãn tiêu chuẩn điều kiện nhất định nào đó, như muốn được nhận công việc ngay khi về nứơc phải đăng ký tại chính quyền điạ phương, hay ai muốn học lên có học bổng, hoặc muốn tìm trường tốt, hoặc nơi học phí thấp... xin đăng ký với sứ quán khi du học, chẳng hạn.

Đó mới là chức năng, thước đo pháp lý đánh giá hiệu quả cơ quan chuyên về lưu học sinh, với tư cách một cơ quan tư vấn, dịch vụ công, chứ không phải một cấp nhà nước quản lý hành chính Việt Nam đặt ở nước ngoài.

Tác giả từ CHLB Đức.


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000