Trong một hội nghị vừa diễn ra tại Hongkong bàn về vấn đề toàn cầu hóa đại học, tổ chức Hội đồng Anh (British Council) đã công bố kết quả một cuộc điều tra sâu rộng, với Đức được bình chọn là nước hỗ trợ nhiều nhất cho các sinh viên nước ngoài.
Không học phí, chất lượng cao
Việc đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn: cởi mở, chất lượng đào tạo, bằng cấp được công nhận rộng rãi, hỗ trợ sinh viên nước ngoài, và có bao nhiêu sinh viên được khuyến khích du học nước ngoài. Trong số 11 nước được xếp hàng đầu theo các tiêu chuẩn trên, kế tiếp Đức theo thứ tự là Úc, Anh, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Nigeria, Brazil và ấn Độ. Theo Hội đồng Anh, việc thu hút sinh viên nước ngoài theo học tại mỗi nước đang là một hoạt động đầy sức hấp dẫn, mang lại khoảng 8 tỉ bảng Anh mỗi năm.
Để lý giải cho việc nước Đức vượt qua cả Anh và Mỹ là hai nước sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, các nhà phân tích nêu rõ một số yếu tố đã đưa Đức lên vị trí hàng đầu. Trước hết, tại Đức, sinh viên nước ngoài không cần phải học thêm tiếng Đức, vì toàn bộ giáo trình dành cho họ được dạy bằng tiếng Anh, không thua kém gì tiếng bản ngữ của Anh hay Mỹ. Thứ đến, và điều này thật hấp dẫn, các sinh viên nước ngoài không phải trả thêm một khoản học phí nào nhiều hơn sinh viên bản xứ, có nghĩa là không có sự phân biệt nguồn gốc sinh viên trong nghĩa vụ đóng góp cho các hoạt động của trường. Ngoài ra, nhiều trường đại học trên khắp nước Đức không thu một khoản học phí nào và sự ưu đãi này cũng không loại trừ các sinh viên nước ngoài đang theo học tại đó. Hiện nay, khuynh hướng chung của các trường đại học tại Đức là miễn hoàn toàn học phí cho sinh viên, đi đầu là Trường Đại học Freie Universitat Berlin, dự kiến trong một thời gian ngắn nữa, một phần ba số sinh viên tại trường sẽ đến từ các nước khác. Đây là một ưu thế rất lớn của hệ thống giáo dục đại học tại Đức, nếu ta biết rằng ở nhiều nước khác như Canada chẳng hạn, việc ghi danh học tại các trường đại học có nghĩa là sinh viên đã “cầm cố tương lai”, với không ít khoản nợ phải thanh toán.
Tuy nhiên vị trí số một của nền giáo dục Đức không chỉ là sự thu hút sinh viên nước ngoài vào học mà còn ở số sinh viên Đức du học nước ngoài. Số sinh viên này nhiều hơn ở bất cứ nước châu âu nào khác. Chính phủ Đức dự kiến trong tương lai có phân nửa số sinh viên Đức theo học ít nhất một học kỳ ở nước ngoài, biến Đức thành một trong những nước có sinh viên cơ động nhất thế giới. Sinh viên Đức học ở những nước dạy học bằng tiếng Anh khi ra trường sẽ có nhiều cơ may tham gia vào những mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu. Kết quả đánh giá và phân loại các nền giáo dục nhiều sức hấp dẫn nhất thế giới còn cho chúng ta thấy một điều, đó là sức hấp dẫn của chúng không hoàn toàn tùy thuộc vào sức mạnh chính trị hay sự phát triển của nền kinh tế. Trong top 11 nền giáo dục trên, có cả một nước Đông Nam Á là Malaysia và một trong những nước châu Phi có thu nhập tương đối khiêm tốn là Nigeria. Điều đó cho thấy để đạt được thành công trong việc tiếp thu và quảng bá giáo dục, kinh tế không phải là yếu tố then chốt, quan trọng hơn cả là cách quản lý, là một chính sách giáo dục thông thoáng, nhắm đến những lợi ích thiết thực và lâu dài.
Điều kiện học tập đối với sinh viên Việt Nam
Theo Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD), điều kiện nhập học đại học tại Đức đối với những du học sinh có bằng cấp từ Việt Nam như sau:
1 Sau khi chứng minh được đã tốt nghiệp phổ thông trung học, thi thành công kỳ thi đại học quốc gia (với tối thiểu 15 điểm) và đã trúng tuyển vào hệ đào tạo đại học chính quy tại một trường đại học Việt Nam được công nhận thì có thể được chuyển vào dự bị đại học trong cùng nhóm ngành.
2 Nếu đạt được các điều kiện tại (1.) và học thêm thành công bốn học kỳ đại học chính quy thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một trường đại học trong cùng nhóm ngành.
3 Nếu tốt nghiệp hệ cao đẳng thì có thể được chuyển vào dự bị đại học trong cùng nhóm ngành.
4 Nếu tốt nghiệp hệ cao đẳng và thi chuyển tiếp lên đại học thành công (học kỳ thứ năm) thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một trường đại học trong cùng nhóm ngành.
Quy định này được áp dụng từ ngày15-3-2009. Giải thích thêm của DAAD Hà Nội:
• “Trúng tuyển”: Phải có tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia và trúng tuyển trong kỳ thi đó với điểm đỗ tối thiểu 15 điểm, không nhân hệ số, không có môn dưới 4 điểm (điểm 3,75 sẽ bị loại).
• “Hệ đào tạo đại học chính quy”: Ở đây hiểu không phải hệ bổ túc, hệ chuyên tu, hệ học từ xa, hệ mở rộng, hệ tại chức, v.v...
• “Một trường đại học được công nhận” là một trường đại học được xếp loại “H +” trong danh sách xếp loại của anabin. Các cơ sở đào tạo chưa có tên trong danh sách nói trên, tạm thời được xem như xếp loại “H –”.
• Cùng “nhóm ngành”: Trên nguyên tắc, nếu học ở Việt Nam (ví dụ) Công nghệ thông tin thì cũng phải học ngành đó tại Đức hay nếu học ở Việt Nam Đức ngữ thì cũng phải học ngành đó tại Đức. Nhưng các trường có thể xét linh động theo bảng nhóm ngành của anabin.
• “Chuyển thẳng”: Nếu học thành công một học kỳ chuyên ngành (khoảng học kỳ thứ 4) thì không còn cần qua Studienkolleg (Dự bị đại học) để vào học từ năm thứ nhất, nhưng vẫn có thể phải qua một kỳ kiểm tra chuyên môn hay vấn đáp để xét năng lực thực sự của du học sinh.
Theo Tuổi trẻ.
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000