Để tốt nghiệp xong đại học ở Đức có thể mất… tới 6-7 năm
Hội thảo “Du học Đức – Điều kiện du học Đức và các câu hỏi liên quan” diễn ra chiều 22/6 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã giúp phụ huynh và các bạn trẻ Việt hiểu hơn về chính sách visa cũng như điều kiện tuyển sinh, cơ hội nghề nghiệp khi du học tại Đức năm 2018.
Tại hội thảo, TS.Dorothea Rüland (Tổng thư kí DAAD – Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức) khẳng định, có một sự thật là “không đâu dễ như du học Đức”.
Bởi lẽ, chỉ cần hồ sơ đủ điều kiện xét tuyển, phỏng vấn là nhập học vì luật của Đức quy định ai cũng được phép học Đại học. Có thể nói, điều kiện đầu vào tương đối đơn giản.
“Chương trình học sẽ đảm bảo kiến thức của chuyên ngành học sinh, sinh viên đăng kí và trong quá trình học, người học phải đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp Đại học.
Nếu không đủ chất lượng thì sẽ phải học lại, một sinh viên có thể không phải chỉ mất 4 năm học Đại học mà kéo dài tới 6 - 7 năm. Thường sẽ có khoảng 30% sinh viên Đức của một niên khóa bỏ học giữa chừng.
Việc siết chặt đầu ra cũng vì mục đích bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai”, Tổng thư kí Cơ quan trao đổi Hàn Lâm Đức nhấn mạnh.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các bạn học sinh.
Tại Đức có hai loại hình Đào tạo Đại học khác nhau quan trọng: Universität (Uni - Đại học Tổng hợp, TU – Tổng hợp Kĩ thuật) và Fachhochschule (FH – Đại học Khoa học Ứng dụng).
Điều kiện để học Đại học tại Đức
Với bằng cấp Việt Nam, để được học Đại học tại Đức cần:
1. Tham gia và đỗ kì thi THPT Quốc gia với các môn thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một số tổ hợp tự chọn (3 môn). Không chấp nhận dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế bài thi Ngoại ngữ.
Tại kì thi THPT Quốc gia phải đạt tổng điểm thi tối thiểu là 36 (tính 6 môn thi xét Tốt nghiệp, không nhân hệ số, không làm tròn), trong đó không môn thi nào dưới 4 điểm và có ít nhất 4 môn thi không dưới 6 điểm. Trúng tuyển vào hệ Đào tạo Đại học chính quy tại một trường Đại học Việt Nam.
2. Nếu thỏa mãn các điều kiện tại (1) và học thành công bốn học kì Đại học chính quy thì có thể được:
a) Chuyển thẳng vào học năm thứ nhất tại một trường Đại học trong cùng nhóm ngành
b) Chuyển vào dự bị Đại học và không bị giới hạn nhóm ngành.
3. Nếu tốt nghiệp hệ Cao đẳng thì có thể được chuyển vào Dự bị Đại học trong cùng nhóm ngành.
4. Nếu tốt nghiệp hệ Cao đẳng và thi chuyển tiếp lên Đại học thành công (Học kì thứ 5) thì có thể được chuyển thẳng vào học năm thứ nhất tại một trường Đại học trong cùng nhóm ngành.
5. Nếu thỏa mãn các điều kiện tại (1) và có chứng chỉ DSD I hoặc DSD II và xác nhận của điều phối viên DSD thì có thể được chuyển vào dự bị Đại học và không bị giới hạn nhóm ngành.
Đại học Heidelberg được vinh danh "Đại học ưu tú" của Đức và nằm trong số các trường Đại học hàng đầu của châu Âu.
Điều kiện của Đại sứ quán Đức
Thủ tục APS:
1. 1 đơn điền đầy đủ kèm ảnh màu cỡ 4x6
2. 1 bản chụp CMND
3. 1 phong bì A4 ghi sẵn tên và địa chỉ người nộp hồ sơ để APS trả lời
4. 1 bản sao chứng thực và 1 bản dịch chứng thực của:
- Bằng Tốt nghiệp THPT
- Kết quả kì thi THPT Quốc gia
- Giấy báo trúng tuyển Đại học, Cao đẳng
- Giấy gọi vào Đại học, Cao đẳng
- 2 bản dịch chứng thực bảng điểm các học kì Đại học hoặc Cao đẳng đã qua (nếu có).
- Kết quả thi chuyển tiếp từ Cao đẳng lên Đại học (nếu có).
- Bằng Tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng (nếu có).
5. 1 bản sao chứng thực các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Đức hoặc một bản ghi rõ thời gian tự học ngoại ngữ
6. Hóa đơn ngân hàng về việc trả lệ phí
Xin thị thực
1. Đơn xin cấp thị thực (3 bản)
2. 4 ảnh màu cỡ 4x6 mới chụp, nền trắng
3. Hộ chiếu Việt Nam hợp lệ kèm 1 bản sao
4. Bảng tóm tắt quá trình học tập và công tác
5. Chứng minh tài chính
6. Bản chính chứng chỉ APS
7. Giấy báo nhập học hoặc giấy chứng nhận đã đăng kí trước một khóa học hoặc chứng nhận đã đăng kí một khóa học tiếng Đức tại Đức.
Các chương trình dạy bằng tiếng Anh
Ở Đức có nhiều trường Đại học tổ chức các khóa học quốc tế. Những khóa học này được nhiều sinh viên lựa chọn. Loại hình học tập này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của sinh viên ngoại quốc cũng như sinh viên Đức có định hướng hoạt động quốc tế sau khi học xong. Chương trình học bao gồm những khóa cho sinh viên bắt đầu vào Đại học và những khóa cao học.
Trong nhiều khóa học loại này có đến 50% sinh viên là người Đức tham gia với mong muốn được sử dụng thành thạo tiếng Anh và hoàn thiện cũng như nâng cao kĩ năng giao tiếp quốc tế thông qua các chuyến thăm và thực tập ở các trường Đại học nước ngoài.
Để có được thông tin chính xác và đầy đủ về điều kiện và phương thức xin nhập học, thời gian và thủ tục đăng kí xin nhập học, hãy liên hệ trực tiếp với trường mà bạn quan tâm. Những trường này có quyền và chịu trách nhiệm trực tiếp về việc chiêu sinh. Điều kiện tiên quyết về ngoại ngữ cho đa phần khóa học loại này là tiếng Anh với chứng chỉ TOEFL 550 điểm hoặc tương đương.
Với câu hỏi “Con tôi cần học bao nhiêu tiếng Đức?”, TS. Dorothea Rüland (Tổng thư kí Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức - DAAD) cho hay, ở Đức cũng như bất kì một quốc gia nào khác, có thể hòa đồng vào cuộc sống chung, trên nguyên tắc ta phải giỏi ngôn ngữ của nước đó.
Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, học sinh, sinh viên nên bắt đầu học tiếng Đức ngay từ trong nước, ví dụ tại Viện Goethe. Dù các trường Đại học Đức không yêu cầu sinh viên quốc tế phải sử dụng thành thạo tiếng Đức ngay từ khi mới sang, song lí tưởng nhất vẫn là nên chuẩn bị trước về tiếng Đức.
Việc các bạn trẻ có ý định sang Đức du học cần đạt trình độ tiếng Đức ở cấp độ nào, hoàn toàn phụ thuộc vào khóa học muốn đăng kí:
Nếu đăng kí học tại một khóa học quốc tế, trước tiên phải giỏi tiếng Anh. Hiện nay, các trường Đại học Đức cung cấp hơn 1800 khóa đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng tiếng Anh.
Nếu đăng kí học một khóa giảng dạy bằng tiếng Đức thì phải chứng minh được trình độ tiếng Đức nhất định qua các bài thi đã được chuẩn hóa như: DSH, TestDaF, DSD.
Ngoài ra còn nhiều khả năng để học tiếng Đức, ví dụ, các trường Đại học cung cấp nhiều khóa học tiếng song song với học chuyên môn, hay ở những cơ sở dạy tiếng với nhiều khóa học ở cấp độ khác nhau như viện Goethe và các trường dạy tiếng.
Hồng Vân
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000