Phong tục cưới hỏi của người Đức

Trước ngày cưới của gia đình bạn, tôi được cô ấy mời đến nhà để cùng bàn về việc chụp hình. Tuy lúc đó còn gần 1 tháng nhưng dù sao chúng tôi cũng phải lên kế hoạch cụ thể.

Bởi theo phong tục tập quán của Đức thì người chồng không được nhìn thấy váy cưới của vợ trước khi bước vào phòng đăng ký kết hôn (Standesamt), vì thế chúng tôi quyết định hẹn ngày chụp ảnh vào sau đám cưới chính thức ...

hochzeit 2
Nhân dịp này, tôi muốn kể với các bạn một số phong tục tập quán cưới hỏi ở Đức, giống như một con đường nhỏ tưởng chừng không quan trọng mà đôi khi ta chợt đi ngang qua, nhưng lại hiểu và biết thêm nhiều về văn hóa của một dân tộc, rồi có một sự so sánh và hiểu hơn văn hóa quê mẹ của chúng ta.

... Ngày cưới của dân Đức không quá rườm rà, cầu kỳ và nhiều thủ tục, mà rất nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Họ chỉ thích mời những người thân và bạn bè quan trọng nhất chứ không mời hết tất cả họ hàng, đồng nghiệp, bà con lối xóm như ở Việt Nam.

Và cũng chính những người thân cận này, những người luôn sát cánh bên cô dâu, chú rể từ bao lâu nay, rất thấu hiểu hai vợ chồng, cũng sẽ là những người nghĩ ra các trò thử thách và trêu chọc, quậy phá tưng bừng trong ngày trọng đại của họ.

Tiếng Đức gọi đám cưới là "Hochzeit" (hay "Heirat, Trauung"), bắt nguồn từ tiếng cổ với nghĩa là "hohe Zeit" (Festzeit) (Trauung là bắt nguồn từ trauen, vertrauen và Treue - tin cậy, giao phó, chung thủy) - muốn nói rằng đám cưới chính là một "đại lễ" của hai người yêu nhau, chính thức tin cậy và trao gửi cả đời cho nhau, luôn bênh vực lẫn nhau và chung thủy với nhau.

Nếu không nói về mặt pháp luật mà chỉ xét về tư duy, tình cảm thì có thể nói người Việt quan niệm rằng: Không thể nên vợ nên chồng khi chưa tổ chức đám cưới - còn người Đức thì nghĩ: Không thể làm đám cưới khi chưa (muốn) nên vợ nên chồng!!

Một câu tục ngữ của Việt Nam nói: "con gái là con người ta", nhưng vợ Việt Nam lại khác với vợ Đức ở chỗ:

Sau khi đăng ký kết hôn, vợ chồng Việt vẫn giữ hai họ riêng biệt, chỉ có con cái thì theo họ bố; nhưng vợ Đức thì trong ngày cưới, ngay sau khi ký giấy kết hôn cũng là lúc họ chính thức mang họ của chồng và được gọi theo tên người chồng - mặc dù kể từ tháng 4/1994 Luật mang họ trong gia đình (Familiennamengesetz) đã được thay đổi và người vợ có quyền chọn giữ họ riêng hoặc dùng họ kép - nhưng hầu hết các cặp vợ chồng Đức vẫn theo truyền thống này.

Đối với con cái, khi bố mẹ chưa đăng ký kết hôn thì người con "thuộc về" mẹ và mang họ mẹ (trừ trường hợp người bố làm giấy tờ xin nhận con!!), và sau khi bố mẹ đám cưới, chúng mới chính thức theo họ bố.

hochzeit 1Vào mùa cưới (khoảng từ tháng 5 đến tháng 8), có thể bạn sẽ gặp khá nhiều nhóm bạn bè chỉ nam hoặc nữ ăn mặc kỳ dị đi "ngêu ngao" ngoài đường, có khi lại thấy rất nhiều ôtô buộc dải nơ trắng trên cần ăng-ten hoặc nhìn thấy cô dâu chú rể cùng một tốp người đang đứng chụp ảnh trước Tòa Thị Chính hay nhà thờ trong thành phố ...

Đó đều là những phong tục, tập quán cưới hỏi rất phong phú của Đức. Nhiều tập quán là truyền thống của dân Germanen để lại từ xa xưa, nhưng cũng nhiều phong tục mới hội nhập từ các nước khác nữa.

Ba tục lệ quan trọng nhất mà hầu như từ xưa đến nay, ai tổ chức đám cưới đều cố gắng chuẩn bị bao gồm:

1. Junggesellenabschiedsparty - Tiệc "độc thân" cuối cùng

Khoảng 2-3 tuần trước ngày cưới chính thức, chú rể sẽ cùng với nhóm bạn nam và cô dâu sẽ cùng với nhóm bạn nữ của mình tổ chức lễ hội gọi là "Junggesellenabschied / Junggesellinnenabschied" - một tập tục bắt nguồn từ Anh với tên gọi "Stag Night / Hen Night" - là một buổi lể hội họp với bạn bè khi vẫn còn mang danh "độc thân vui tính".

Buổi lễ này sẽ do nhóm bạn của "nhân vật chính" tổ chức. Thông thường họ không thông báo trước mà sẽ gây bất ngờ cho cô dâu hoặc chú rể.

Thời xưa, đây là ngày mà người bố của cô dâu sẽ cho gọi toàn bộ đàn ông trong nhà đến để "soi" người con rể tương lai, nhằm kiểm tra xem anh ta có đủ tư cách và trách nhiệm làm chồng con gái mình không!!

Chú rể sẽ phải nghe những bài giáo huấn và triết lý dài dòng về hôn nhân và gia đình, gần như là một "thử thách cuối cùng" trước khi được cưới cô dâu về.

Dần dần, người ta nghĩ ra các trò chơi để vừa thử vừa trêu chọc chú rể, và đến hôm nay thì buổi lễ đã trở thành bữa tiệc vui nhộn, họ uống rượu và hò hét, họ ra đường và đi lòng vòng khắp nơi, mời thêm người đi đường tham gia như để thông báo với cả thế giới về tin vui của bạn họ.

2. Polterabend - "Đêm đập phá"

"Đêm đập phá" là một phong tục đã có truyền thống từ thời cổ đại và được cô dâu & chú rể cùng tổ chức vào buổi tối trước lễ cưới.

Bằng cách đập vỡ những đồ gốm sứ như bát đĩa, họ muốn tạo nên tiếng động ầm ĩ nhằm xua đuổi tà ma, quỷ dữ - nhưng cả khách lẫn chủ không được làm vỡ ly hay cốc thủy tinh, bởi đây lại là điều đại kỵ.

Sau đó, cô dâu & chú rể phải cùng nhau dọn dẹp đống rác, coi như một sự chuẩn bị bước vào cuộc sống chung. Người ta muốn nhìn thấy họ đồng lòng và cầu hạnh phúc gia đình luôn mỉm cười, ngày càng đơm hoa kết trái.

Ngày nay, người ta tổ chức Polterabend sớm hơn nữa, nhằm tạo điều kiện cho cô dâu & chú rể nghỉ ngơi, có sức trải qua một ngày cưới bận rộn.

3. Bộ váy và giầy cưới của cô dâu - hành trang mang lại may mắn

- "Giầy cưới đáng giá ngàn xu": Ngay từ ngày nhỏ, các bé gái người Đức cũng như mẹ của chúng sẽ cùng nhau "nhặt nhạnh" các đồng tiền 1-2 xu đem cất đi, không chỉ để tiết kiệm, mà để dùng mua giầy cưới cho hôn lễ của họ sau này.

Đó là biểu tượng cho tính tiết kiệm của người vợ sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình mình.

Vào ngày cưới, nhiều nhà sẽ chơi trò "đem giầy cô dâu ra cho khách mời đấu giá", người làm chứng cho đám cưới sẽ cầm một cái mũ rồi đi một vòng, cứ đến người khách nào thì họ phải thả vào mũ khoản chênh lệch mà họ vừa trả giá với người trước đó.

Người cuối cùng là chú rể sẽ được "mua" lại đôi giầy để trả cô dâu - kèm theo cả khoản tiền đã thu được trong mũ (tất nhiên là cuộc vui nên trò đấu giá này chỉ giới hạn trong một khoản tiền nhỏ!!).

- "Something old, something new ...":

Vào ngày cưới, cô dâu sẽ phải mặc kèm theo váy cưới một số thứ sau đây: một vật đã cũ - biểu tượng của đoạn đường đời đã đi qua khi còn độc thân, một vật mới tinh - biểu tượng của đoạn đường đời sắp bước tới trong vai trò người vợ, một vật màu xanh da trời - biểu tượng của lòng chung thủy, một vật đi mượn về - biểu tượng của tình bạn và đặt một đồng 1 xu trong giầy - biểu tượng của sự no ấm, đầy đủ, may mắn.

- "Vũ điệu voan trắng" tiếng Đức gọi là "Schleiertanz" được nhiều gia đình tổ chức vào đúng 12 giờ đêm của ngày cưới, khi bước sang một ngày mới và cô dâu chính thức trở thành vợ "người ta".

Voan cưới từ xa xưa đã là biểu tượng sự trinh trắng của cô dâu và nó cũng từng là vật màu trắng duy nhất trong bộ váy cưới, bởi thời đó, dân tộc Đức mặc đồ cưới màu đen, chỉ là một bộ váy lễ của ngày chủ nhật.

Cô dâu sẽ nhảy "vũ điệu voan trắng" một mình và các cô gái chưa lập gia đình phải xông vào ... xé voan của cô dâu.

Giống như phong tục ném hoa cưới, người ta tin rằng, ai có được mảnh voan to nhất sẽ được thần Tình Yêu để ý và cũng chuẩn bị bước lên xe hoa.

4. Một số phong tục tập quán cưới hỏi khác ở Đức:

- Đôi uyên ương khi vừa bước chân từ phòng đăng ký kết hôn ra sẽ được gia đình và bạn bè vây xung quanh rồi ném từng nắm gạo lên người họ, với ý muốn chúc phúc hai vợ chồng sinh được con đàn cháu đống, hôn nhân hạnh phúc.

Một tục lệ tương tự khác là sau khi đăng ký kết hôn xong, trẻ em trong gia đình sẽ luôn chạy phía trước để rải hoa cho mỗi bước đi của cô dâu. Họ mong cô dâu sẽ sớm được làm mẹ và có một con đường hôn nhân luôn trải đầy "gấm hoa"

- Ở một số vùng, người thân còn thử thách cô dâu & chú rể bằng cách bắt họ cùng cưa một khúc gỗ. Mỗi người phải đứng một đầu cầm cưa và đẩy đưa sao cho thật nhịp nhàng, uyển chuyển, không bị vấp, không nhanh, không chậm - đây là biểu tượng cho một cuộc hôn nhân hài hòa, nhịp nhàng, biết nhường nhịn lẫn nhau để đạt hạnh phúc.

- Nhiều bạn bè của cô dâu & chú rể sẽ trêu chọc họ bằng cách ngấm ngầm đặt đồng hồ báo thức trong nhà của đôi uyên ương để đêm tân hôn họ sẽ bị "quấy rối"; hoặc có khi họ sẽ chơi trò đóng kịch - gọi là trò "Maschkern", cùng nhau đeo mặt nạ và diễn lại cuộc đời độc thân của cô dâu & chú rể, thêm nhiều tình tiết ... éo le như người tình cũ xuất hiện và muốn "chiếm" lại tình nhân v.v...

Và cuối cùng, để đền đáp tình cảm cũng như công sức của những "diễn viên đặc biệt" này, cô dâu & chú rể sẽ mời họ nhậu một chầu ra trò.

Nhưng "last but not least", như đại văn hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe từng viết: "Mit jemand leben oder in jemand leben, ist ein großer Unterschied.

Es gibt Menschen, in denen man leben kann, ohne mit ihnen zu leben, und umgekehrt. Beides zu verbinden, ist nur der reinste Liebe und Freundschaft möglich."

- "Sống được cùng một người và hiểu được một người là sự khác biệt rất lớn. Có những người ta có thể rất hiểu họ mà không hề sống chung với họ, và ngược lại. Chỉ có tình bạn và tình yêu chân thành, giản dị mới có thể kết hợp cả hai điều đó với nhau."

Chúc các bạn luôn hạnh phúc trên mọi nẻo đường của mình!

(Mời các bạn cùng ngắm những hình ảnh đám cưới của bạn tôi, trong tình yêu thương và ấm áp của gia đình với vỏn vẹn 40 khách mời - có thể nói là một đám cưới bình thường ở Đức, giản dị mà tinh tế!)

Cẩm Chi


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức