Du học sinh... “kéo cày trả nợ”

Du học sinh... “kéo cày trả nợ”Sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài, không ít du học sinh Việt Nam đã chọn con đường ở lại lập nghiệp nơi xứ người. Nguyên nhân đơn giản là.... “kéo cày trả nợ”.

Trên chuyến bay từ Việt Nam sang Úc, tôi tình cờ ngồi cạnh Hoàng An - một cựu du học sinh tại Úc. Sau khi học xong, An về Việt Nam lấy chồng và bây giờ quay lại làm việc tại Sydney.

Tôi cũng hơi ngạc nhiên và hỏi tại sao lại “bỏ chồng” tại Việt Nam, dấn thân vào cảnh “thân gái dặm trường”? An chỉ tủm tỉm cười không trả lời.

Trong những ngày đầu tiên tại Sydney, An đã tận tình giúp tôi làm quen với môi trường mới, hướng dẫn tỉ mỉ từ cách đi xe buýt, tàu điện ngầm, đến việc chợ búa sinh hoạt…

Thế nhưng thời gian sau đó, người bạn mới của tôi hầu như mất hút. Những lần tôi gọi điện hỏi chuyện công việc, An chỉ trả lời qua loa và cúp máy.

Sau nhiều lần như vậy, tôi dần hiểu rằng An cố tình tránh mặt nhưng không rõ nguyên nhân tại sao.

Phải đến vài tháng sau đó, khi nghe một người bạn kể chuyện An đang bán thịt tại một chợ thực phẩm ở Sydney, tôi mới hiểu ra vấn đề và một nỗi buồn dâng lên trong lòng. Sống xa đất nước, đồng hương gặp nhau đã là quý, tại sao phải e ngại như vậy?

Từ việc “thu hồi vốn”

Sau một thời gian sống lại Úc, tôi phát hiện ra rằng trường hợp như của An không phải là cá biệt. Một lần đi tắc-xi ra sân bay, nhìn thấy người lái xe mang phù hiệu tên Van Nguyen, tôi thấy ngờ ngợ và hỏi chuyện thì đúng Văn là người Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Thương mại Đại học New South Wales, Văn quyết định ở lại Úc làm việc. Do chưa tìm được việc đúng chuyên môn, anh tạm thời làm nghề lái tắc xi để kiếm sống qua ngày.

Tôi hỏi sao không về Việt Nam làm việc? Văn cười buồn: “Em sang đây học theo diện tự túc. 4 năm học cả học phí và tiền sinh hoạt hết gần 100.000 AUD.

Bây giờ về Việt Nam làm ở Cty nước ngoài mức lương cũng chỉ vào khoảng vài trăm đô la, làm ở cơ quan Nhà nước lương còn thấp hơn nữa. Như thế thì bao giờ mới bù đắp được số tiền học đã bỏ ra?”.

Đến “sức ép tâm lý”

Quán “Sài Gòn” nằm ở ngoại ô Sydney là một địa điểm khá nổi tiếng đối với cộng đồng người Việt tại thành phố này. Hàng ngày thực khách đến đây nườm nượp để thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún bò, cá kho, chả nem…

Trong những lần đến ăn ở đây, tôi chú ý đến một cô bé phục vụ có tên Lan Anh. Nhìn gương mặt trẻ trung của cô, tôi nghĩ đây chắc lại là một sinh viên đi làm thêm nhưng khi hỏi chuyện mới biết Lan Anh đã tốt nghiệp Đại học Macquarie từ 3 năm trước.

Lan Anh tâm sự, quê cô ở một huyện ngoại thành ở TPHCM. Gia đình cũng đã phải vay mượn để có tiền cho cô sang du học với hy vọng sau khi tốt nghiệp cô sẽ ở lại làm việc tại Úc để nuôi cả gia đình.

Trường hợp của Minh - sinh viên Đại học Sydney - thì hoàn toàn khác. Minh sang học tại Úc từ năm 1999 theo diện học bổng AUSAID (cơ quan viện trợ nước ngoài của Úc).

Do không muốn về Việt Nam nên sau khi tốt nghiệp, Minh đã phải bỏ tiền thuê một cô gái địa phương làm đám cưới giả để có lý do ở lại (theo quy định, những sinh viên nhận học bổng AUSAID không được phép ở lại Úc). Sau khi được chấp nhận định cư tại Úc, hai người lặng lẽ “đường ai nấy đi”.

Cùng với điều kiện kinh tế phát triển, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam đi du học nước ngoài theo diện tự túc, trong đó Úc là một địa chỉ hấp dẫn. Chỉ riêng tại bang New South Wales đã có gần 10.000 du học sinh Việt Nam.

Tuy vậy mức học phí tại các trường đại học của Úc cũng khá cao, trung bình ở mức 20.000 AUD/năm. Trong thời gian học, đa phần các bạn sinh viên đều đi làm thêm nhưng luật pháp của Úc hạn chế mỗi sinh viên chỉ được làm tối đa 20 giờ/tuần, do vậy số tiền họ kiếm được trong thời gian này không nhiều.

Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam bang New South Wales Đỗ Duy Linh cho biết trên góc độ tình cảm, sau khi ra trường đa phần các du học sinh đều muốn về Việt Nam làm việc nhưng số tiền học bỏ ra quá nhiều khiến họ buộc phải tìm cách ở lại Úc để thu hồi vốn.

Còn các bạn du học sinh có học bổng sau khi học xong đa số đều phải về nước theo quy định của Úc. Tuy vậy vẫn có một số ít người xoay xở bằng mọi cách để ở lại.

Để tồn tại nơi đất khách, nhiều du học sinh phải chấp nhận làm các công việc như bán hàng, bưng bê trong quán, phục vụ lễ tân khách sạn… chỉ nhận được mức thù lao khoảng 16-17 AUD/giờ, tổng cộng mỗi tháng cũng kiếm được vài nghìn AUD.

Với giá cả sinh hoạt đắt đỏ như ở Úc, lại phải thanh toán tiền nhà, điện nước, thông thường phải sau 5-6 năm các bạn du học sinh mới có thể bù đắp được khoản tiền học phí đã bỏ ra.

Đến lúc đó nhiều người đã phần nào quen với cuộc sống tại Úc nên cũng không nghĩ đến chuyện về Việt Nam nữa. Ngoài ra, sự kỳ vọng của gia đình, bạn bè cũng tạo ra sức ép tâm lý lớn, cản trở con đường “hồi hương” của các du học sinh.

(*Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Theo Phạm Hà
Tiền Phong


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức