Những sự thật (của tôi) về du học

Những sự thật (của tôi) về du họcSau rất nhiều đắn đo, sẽ viết gì và như thế nào với đề tài “cũ mà luôn mới”: du học, tôi quyết định sẽ chia sẻ chính những kinh nghiệm hoàn toàn cá nhân và riêng tư. Những gì thật nhất có lẽ cũng dễ thuyết phục nhất!

Tôi đã bị “shock văn hoá” vì quá tự tin

Tôi đã từng rất tự tin vì nghĩ mình là người dễ thích nghi với hoàn cảnh, do đặc thù nghề báo phải đi nhiều nơi và tiếp xúc với nhiều người lạ. Hơn nữa, tôi đọc đủ để chẳng thấy xa lạ gì với từ “shock văn hoá”. Vậy mà email đầu tiên tôi gửi về nhà đầy rẫy các dấu chấm hỏi thắc mắc (lẫn tủi thân) về sự lạnh lùng của người dân địa phương đối với người nước ngoài.

Có thể đó là đặc thù môi trường du học tôi đã chọn - một thành phố ở Đông Đức. Nhưng tôi tin phần lớn các du học sinh đều gặp phải tình trạng “shock văn hoá” ở các biến thể khác nhau tuỳ hoàn cảnh. Để đối mặt, bạn không nên quá thất vọng, hãy chấp nhận và vượt qua nó từ từ.

Du học không giúp tôi am hiểu ngoại ngữ hoàn hảo

Năm đầu tiên là lúc tiếng Đức của tôi lên nhanh nhất. Nếu hoàn hảo là 10 thì có lẽ tôi đã leo được từ thang 1 đến 5. Sang năm thứ 2, tôi đạt được ngưỡng 6/10 và đến nay vẫn phải thật cố gắng mới duy trì được như vậy. Thế nhưng tôi không thất vọng. Đơn giản vì trước đó tôi đã hơi ... “ảo tưởng”.

Việc sống trong “môi trường tiếng” dù rất quan trọng nhưng nó vẫn chỉ là “chất xúc tác” trong quá trình học ngoại ngữ. Tôi có thể chủ quan nói rằng: sau 5 năm du học chẳng hạn, mức độ hiểu ngôn ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ đời sống của bạn sẽ rất khá, nhưng tôi không chắc rằng bạn nói đã chuẩn ngữ điệu chưa, phát âm giống bao nhiêu % với người bản xứ, hiểu bao nhiêu % một cuốn sách chuyên môn và cách bạn sử dụng từ có phong phú không?

Khó khăn còn tăng dần với các ngôn ngữ khó: ví dụ để nhuần nhuyễn được tiếng Đức sẽ khó hơn tiếng Anh. Vì thế, nếu có cơ hội hãy chuẩn bị về ngôn ngữ càng nhiều ở nhà càng tốt (thuận lợi là giáo trình, băng đĩa rất rẻ), và đừng bao giờ nghĩ rằng: đợi sang “bên kia” học cũng chưa muộn!

Du học chỉ là “chất xúc tác” cho sự trưởng thành của tôi mà thôi

(Giả sử) bạn chuẩn bị du học, vậy du học (có thể) sẽ đem lại cho bạn được những gì? Sự trưởng thành? Tính độc lập? Sự tự tin? Suy nghĩ chín chắn? Điều đó đúng. Nhưng chẳng lẽ nếu học ở Việt Nam thì bạn sẽ không có được các “phẩm chất tốt đẹp” đó sao?

Tôi đi du học năm 20 tuổi, sau 2 năm, tôi nhận ra rõ rệt sự trưởng thành của bản thân bằng cách đặt mình vào lại những tình huống ứng xử tương đương, đồng thời nghiệm ra rằng đó là do “tự tôi lớn lên”. Có chăng hệ thống giáo dục tôn trọng cá nhân, đề cao việc học tập độc lập sáng tạo của nước ngoài, cộng thêm cuộc sống “tự-lập-bắt-buộc” đã giúp tôi “lớn” nhanh hơn mà thôi!

Giờ thì chúng ta còn có khái niệm “thế giới phẳng” kèm theo cả một thế hệ trẻ năng động hơn trước rất nhiều. Sự năng động vốn tưởng chừng chỉ là đồ độc quyền của dân du học nay đã trở thành của chung rồi!

Tôi coi trọng những “yếu tố ngoại

Đó là học những điều mới không có ở môi trường sống trước đó. Thực ra, chính tôi cũng có một “dilema” (trạng thái lưỡng lự) của nhiều dân du học: tôi nên tập trung học tập và tiết kiệm tiền, hay tôi cũng sống như những sinh viên bản xứ: có học và có chơi.

Khá nhiều bạn du học sinh cùng vùng tôi quen được khoảng 3 năm chưa từng đi du lịch nước ngoài hay thậm chí chưa từng tới tham quan các thành phố lân cận. Họ sống khép kín trong “Vietnam Town” thu nhỏ (những ký túc xá tập trung nhiều SVVN). Giao tiếp ngoại ngữ duy nhất có lẽ chỉ trong kỳ thi với thầy giám thị.

Lại có những người bạn chưa từng tới rạp xem một bộ phim, hay rất hiếm khi ăn trưa ở căn-tin trường với lý do “nấu như cho heo ăn” (khổ thân, tôi thì ngày nào cũng ăn trưa ở căn-tin để tiết kiệm thời gian). Tất nhiên, như thế thì còn lâu lắm mới có thể gặp được nhiều gương mặt sinh viên Việt Nam trong những hoạt động cộng đồng của giới trẻ địa phương: kịch nghệ, thể thao, các CLB sở thích... hay tại các sự kiện văn hoá, nghệ thuật.

Trong khi tôi thấy không có lý do gì để bỏ qua nhiều cơ hội rất đáng giá và thú vị bày sẵn trước mắt, ví như tôi đang phân vân giữa lớp học trượt ván, lớp quay phim, lớp học dẫn chương trình... được quảng cáo với mức giá rất ưu đãi, chỉ có khi bạn còn là sinh viên hoặc... còn trẻ (“trần” thường là 25 tuổi) mà thôi!


Ngủ dậy là nghĩ hôm nay sẽ… ăn gì?

Tôi đã từng mơ một môi trường học và cuộc sống vui vẻ khi chuẩn bị đi du học. Nhưng dường như đó là một sự thật hoàn toàn khác hẳn, nhất là với những người đang sống cùng với gia đình. Đi du học thì cũng nên chuẩn bị tinh thần giống các bạn sinh viên ngoại tỉnh về thành phố ở trọ học đại học vậy.

Có nghĩa là phải chuẩn bị tinh thần tự lập từ ăn uống, ốm đau, thuê nhà, làm thêm kiếm tiền mà trang trải… Đấy là chưa kể đến năm đầu tiên, vốn liếng ngoại ngữ chả thấm vào đâu nên rất khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt…

Tôi đã có nhiều lần không thể hiểu nổi là tại sao mình cứ ngủ dậy là nghĩ đến chuyện hôm nay sẽ… ăn gì? Có lẽ là chỉ riêng về ăn uống, không hợp khẩu vị đã đành, nếu tự nấu ăn được thì cũng khó mà đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm như ở nhà. Ăn uống nói chung là tạm bợ.

Học hành thì không riêng bản thân tôi mà các bạn sang Nhật cùng với tôi đều nhận xét là chán. Đó là chưa kể đến trường đại học của tôi nằm trên núi nên bị biệt lập với bên ngoài. Công Hiếu (APU - Nhật Bản)

Mang tiếng đi Tây…

Sang Pháp học, lúc nào tôi cũng chỉ chăm chăm “làm” cho xong cái bằng rồi về cho sớm chợ. Lỡ đúp, sợ mất một năm thời gian một phần, nhưng sợ mất 1 năm… tiền học thì tới chín phần.

Sống ở một đất nước hay có biểu tình, và đình công, không biết bao nhiêu lần phải dậy sớm cuốc bộ đến trường vì không có xe buýt.

Năm 2006, sinh viên Pháp biểu tình tùm lum về cái nghị quyết CPE. Suốt mấy tháng trời, trường đại học đóng cửa vì bị sinh viên Pháp “trấn giữ”, sinh viên ngoại quốc bơ vơ không biết bấu víu vào đâu. Biểu tình thì... chả liên quan gì đến mình. Mà ngồi im thì tức anh ách, vì khi không mất tong cả kỳ học!

Ở nhà mình có câu “mang tiếng”, đúng là “mang tiếng đi Tây” thật! Mỗi lần về “quê” là phải lo mua quà nọ, sắm quà kia. Đi học chứ có phải đi buôn đâu! Sang bên này, mang tiếng là có cơ hội đi đây đi đó, mở mang kiến thức, nhưng có phải thứ gì cũng free. Còn khi muốn mua sắm, hay đi chơi một tí thì lại sợ mang tiếng… “chúng nó ăn chơi tốn tiền của bố mẹ”. Mỗi lần về Việt Nam là lo mình lạc hậu hơn tụi ở nhà, từ âm nhạc, thời trang, cho đến máy móc… - Hoài Nam (Sorbonne Paris IV - Pháp)


Theo Nguyễn Danh Quý
(Du học sinh ngành PR Chính trị tại Đức)


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức