Sự chảy máu chất xám này đã ảnh hưởng tới Đức khá trầm trọng, cản trở khả năng sáng tạo và duy trì tính cạnh tranh của quốc gia này khi những người có trình độ cứ lần lượt ra đi. Khi không còn những nhà nghiên cứu nữa thì cũng sẽ không có ý tưởng sáng tạo phục vụ đất nước. Các nhà khoa học Đức đang gióng hồi chuông cảnh báo tình trạng thất thoát những “bộ não” có trình độ.
Theo Phó chủ tịch Cơ quan trao đổi học thuật Đức, Max Huber, thì Mỹ hiển nhiên được coi là nơi đứng đầu về thị trường giáo dục. Bằng mọi phương tiện có thể, họ thu hút được nguồn nhân lực từ khắp mọi nơi trên thế giới. Người nước ngoài tạo ra tới một nửa công trình nghiên cứu của nước Mỹ so với 10% ở Đức. 45% trong số 50 trường ĐH dẫn đầu thế giới là của Mỹ còn trường ĐH Munich của Đức chỉ xếp hạng thứ 48.
Ông Huber cho rằng Đức phải trở thành quốc gia hấp dẫn hơn đối với các học giả vì 44% các nhà khoa học Đức ở nước ngoài cho rằng họ mong muốn quay trở lại quê hương nếu điều kiện làm việc ở đây được cải thiện.
Hiệu trưởng trường Humburg, Thomas Traubhaar, chỉ trích các nước Châu Âu đã trao thị trường giáo dục trị giá nhiều tỷ đô la bao gồm nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu cho Mỹ. Ông nói: “Ở Đức, người ta vẫn coi Giáo dục là một ngành sản xuất mang lại lợi nhuận và các trường ĐH là các cỗ máy in tiền là điều cấm kỵ. Trong khi đó, Mỹ không gặp vấn đề gì trong việc thu những khoản tiền khổng lồ từ nền giáo dục tiên tiến”.
Hơn nửa triệu sinh viên nước ngoài theo học tại các trường ĐH Mỹ trong năm học 2002-2003. Điều đó có nghĩa là họ đã chi gần 12 tỷ đô la tiền học phí và sinh hoạt phí cho các trường ĐH tại đây - một con số chỉ có trong giấc mơ của các ngành sản xuất khác. Theo phòng Thương mại Mỹ, giáo dục đã trở thành ngành dịch vụ xuất khẩu quan trọng thứ của nước này.
Theo Giáo Dục Thời Đại
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000