Đó là kết quả xếp hạng từ một khảo sát của trang mạng Study.eu. Study. eu là một trang mạng trực tuyến, trụ sở nằm tại thành phố Hamburg – Đức, chuyên cung cấp thông tin bằng tiếng Anh về việc du học, về các trường đại học và cao đẳng ở Châu Âu, về cách xin visa, cơ hội xin học bổng, kinh phí du học … nhằm giúp các em học sinh, sinh viên và gia đình của họ có thể nghiên cứu, xem xét để lựa chọn điểm đến du học phù hợp với mình.
Trang mạng này hợp tác chặt chẽ với các tổ chức giáo dục đại học cũng như các tổ chức chính phủ trên khắp châu Âu, thường xuyên được các báo nổi tiếng như Frankfurter Allgemeine (Đức), The Standard (Hongkong), The Forbes (Mỹ), Le Monde (Pháp) hay The National Student (Anh) … đề cập đến.
Bên cạnh đó, Study.eu còn có những bài phỏng vấn các du học sinh, sinh viên hiện đang học trên khắp Châu Âu về những trải nghiệm thực tế để độc giả tham khảo. Vì vậy, có thể nói đây là một trang mạng có uy tín trong việc nhận xét và đưa ra khuyến cáo về các vấn đề và cuộc sống du học.
Bảng xếp hạng các trường đại học Châu Âu năm 2018 của Study.eu
Theo bảng xếp hạng mới của trang mạng Study.eu cho năm 2018 thì trong số 30 quốc gia được bình chọn qua các hạng mục như tiêu chuẩn giáo dục, kinh phí, cuộc sống và cơ hội việc làm, Đức một lần nữa lại là quốc gia đạt được mức bình chọn cao nhất so với cùng kỳ năm 2017, với tổng số là 80,7% (năm 2017 đạt 83,2%), xếp thứ nhất, trước Anh và Pháp.
Vào năm 2017, Pháp xếp thứ tư và Hà Lan xếp thứ ba thì năm nay, hai nước này đổi chỗ cho nhau. Về kinh phí, năm nay Đức xếp thứ tám, có mức kinh phí gần như thấp nhất trong số 10 nước đứng đầu bảng. Ba Lan lại là quốc gia đắt đỏ nhất đối với sinh viên nước ngoài khi sang đó du học.
Về tiêu chuẩn giáo dục và cơ hội việc làm cho sinh viên, Đức lại tiếp tục gần như dẫn đầu với vị trí thứ hai. Đặc biệt mới trong năm nay là trong bốn phần tiêu chuẩn để tính ra mức bình chọn cho “cuộc sống và cơ hội việc làm”, Study. eu đã đưa thêm mục “mức độ an toàn cá nhân”, dựa vào tỉ lệ tử vong, tội phạm hình sự và các cuộc tấn công khủng bố chính trị.
Xét theo riêng khía cạnh này, các du học sinh khi đến Châu Âu dù học ở bất cứ đâu, cũng đều không phải lo lắng gì. Bởi gần như tất cả các quốc gia được đánh giá đều là những nơi an toàn nhất so với các quốc gia khác trên thế giới.
Ưu điểm và nhược điểm của bảng xếp hạng
Tuy nhiên, theo đánh giá trên trang mạng studis-online.de của Đức – một trang tiếng Đức tương tự như Study. eu – thì nếu chỉ dựa vào các bảng xếp hạng, sẽ không ai có thể rút ra được điều gì chính xác cho quyết định riêng của mình. Bởi một bảng xếp hạng thế này là cách đơn giản hóa thực tế ở mức tối đa, đặc biệt vì nó là một bảng xếp hạng về các quốc gia, nên nó càng không thể chính xác. Ví dụ như các trường đại học cao cấp dạng “grandes ecoles” của Pháp làm sao đưa vào so sánh chung với những trường bình thường khắp Châu Âu? Đó là những trường đại học đặc biệt, do chính phủ Pháp thành lập với mục đích đào tạo và cung cấp chuyên viên kỹ thuật và quân sự cho nhà nước.
Hoặc về kinh phí thì không thể đem mức chi tiêu của du học sinh học tại một trường đại học ở các thành phố lớn so
với mức chi tiêu của một trường đại học ở một thành phố nhỏ. Chỉ nói riêng tiền thuê nhà sinh viên (và kể cả cho dân thường) ở ngay trong nước Đức, mỗi nơi đã có một mức phí khác nhau, phụ thuộc vào địa điểm trung tâm hay ngoại ô, các trang thiết bị trong căn hộ cũ hay mới, dịch vụ cung cấp nước dùng tốt hay không, nhà có cách âm hay không, thậm chí sinh viên các trường khác nhau có thể cũng trả các mức thuê nhà khác nhau dù ở cùng một nơi v.v.
Nói đến cơ hội xin việc làm, những du học sinh ngay từ đầu đã có ý định về nước sau khi học xong chắc chắn sẽ không quan tâm mấy đến mức thất nghiệp, hay những sinh viên người Tây Ban Nha, người Nga, người Nhật, người Trung Quốc … nếu học tốt và muốn ở lại có lẽ cũng không cần quan tâm “có bao nhiêu doanh nghiệp chấp nhận nói tiếng Anh” tại đó, bởi nhiều doanh nghiệp hiện đang rất ưa chuộng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Ngoài ra, từ bảng xếp hạng này, theo trang Study.eu xác nhận với studis-online.de, thì Đức có mức kinh phí thấp là chỉ áp dụng cho những du học sinh là người Châu Âu. Các sinh viên đến từ nhiều nơi khác trên thế giới thường phải trả mức phí khá cao, ví dụ ở một vài trường tại bang Sachsen và sắp tới là ở Baden-Württemberg. Bên cạnh đó, mục xếp hạng cuộc sống và cơ hội xin việc làm cũng phụ thuộc nhiều vào sự khác biệt văn hóa, kế hoạch tương lai của mỗi người.
Ưu điểm của bảng xếp hạng là giúp cho các sinh viên có thêm ý tưởng và lựa chọn mới, ngoài những quốc gia vốn nổi tiếng về du học từ trước đến nay như Úc, Mỹ, Anh. Nhiều nơi có tiêu chuẩn giáo dục tốt hơn và mức sống tương đương ba nước này, trong khi mức chi phí lại vừa phải, không quá đắt đỏ. Một điểm cộng nữa cho các bảng xếp hạng kiểu này của Study.eu là đã đưa cả hạng mục chi phí cuộc sống và tiêu chuẩn cuộc sống (sống ở đâu hạnh phúc hơn?) vào đánh giá, khác với các bảng xếp hạng quốc tế khác về việc du học.
Và cuối cùng, những sinh viên luôn cảm thấy khó khăn và lo sợ khi phải tự quyết định việc học hành của mình sẽ thấy dễ dàng hơn khi đọc bảng bình chọn thế này. Mặc dù, theo studis-online.de, các bạn sinh viên vẫn nên ưu tiên những mong muốn và nhu cầu của riêng mình khi lựa chọn nơi sẽ phải gắn bó học tập và sinh sống trong vài năm.
Cẩm Chi
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000