9 trên 10 khoa ở trường mình đều có các chương trình bằng tiếng Anh. Ngoài ra hằng năm trường còn tiếp nhận hàng trăm sinh viên nước ngoài đến đây học trao đổi (thường kéo dài 6 tháng hoặc một năm) theo chương trình trao đổi Erasmus. Do đó, việc học một chương trình tiếng Anh ở Đức không có gì đáng lo lắng cả, mà ngược lại còn có rất nhiều điều thú vị:
Thông tin được trang bị “tận răng” bằng tiếng Anh
Lúc đăng ký chương trình thạc sĩ bằng tiếng Anh, mình lên trang web của trường và ngành học để tìm hiểu và nhận ra rằng thông tin khóa học được trình bày rất rõ ràng bằng tiếng Anh, từ các môn học, chi phí sinh hoạt, các hoạt động xã hội… Phải công nhận là người Đức rất kỹ lưỡng chi tiết về việc cung cấp thông tin cho sinh viên quốc tế. Mình đăng ký nộp đơn, gửi email hỏi đại diện tuyển sinh của trường và luôn được phản hồi nhanh chóng, thậm chí lúc gặp trục trặc giấy tờ trong việc xin visa, mình đã cấp tốc gọi điện cho văn phòng của ngành mình học và được hướng dẫn cặn kẽ. Đến bây giờ khi nhận email của trường, mình luôn nhận được cả hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Đức.
Lớp học đa âm sắc
Lớp mình theo học ban đầu có 18 bạn đến từ 13 quốc gia khác nhau và điều đó giúp tiếng Anh mình tốt lên rất nhanh. Lúc mới qua, mình chỉ quen với giọng Anh-Anh hay giọng Anh-Mỹ, Anh-Úc, còn giờ đây, mình nghe được tiếng Anh của Ấn, của Sing, của bạn bè đến từ Châu Mỹ Latinh hay cả các bạn Đông Âu… mọi giọng điệu tiếng Anh trên thế giới đều quy tụ về đây nên bọn mình giờ tiếng Anh xứ nào cũng nghe được hết.
Có một điều mình cực kỳ thích đó là chương trình quốc tế ở trường của Đức có sỉ số nhỏ, chỉ khoảng trên dưới 50 người, nên việc trao đổi với giáo viên rất dễ dàng, gần gũi. Hầu như bạn bè địa phương trong trường đều nói tiếng Anh cấp độ Ielts 7.0 nên mình không gặp vấn đề về trao đổi thông tin. Mình đôi lúc còn thấy xấu hổ vì các bạn ở đây đa số đều có thể nói ba thứ tiếng, như hai bạn Đức học lớp mình, một bạn thì nói thêm tiếng Tây Ban Nha, một bạn nói thêm tiếng Bồ Đào Nha.
Tiếng Anh thầy cô có dễ nghe và dễ hiểu không?
Vì các thầy cô đều góp mặt trong các dự án tư vấn quốc tế của chính phủ nên đa số ngôn ngữ làm việc của họ đều bằng tiếng Anh, và tất nhiên, họ nói cực kỳ dễ nghe, có khi dễ hiểu hơn mấy thầy cô nói tiếng Anh bản địa.
Ngoài giáo viên là người Đức, trường mình còn có các giảng viên người nước ngoài, như ngành của mình, hiện nay đang có một cô giáo người Đan Mạch, một giáo viên người Bangladesh, một giáo viên người Morocco, và họ nói tiếng Anh phổ thông nên rất dễ hiểu. Các thầy cô hết sức thân thiện và nhiệt tình với sinh viên nên môi trường học tập rất thỏa mái, nếu gặp từ tiếng Anh nào họ không biết, mình không biết, chúng ta cùng tra từ điển ☺.
Dịch vụ hỗ trợ, y tế bằng tiếng Anh
Mình đã từng lo lắng sẽ gặp rào cản ngôn ngữ khi đi khám bệnh nếu bác sĩ bản địa không nói được tiếng Anh, nhưng công ty bảo hiểm mình đang sử dụng dịch vụ có hẳn một danh sách các bác sĩ nói tiếng Anh và nếu sinh viên cần, công ty bảo hiểm sẽ tự đặt lịch, mình chỉ việc đến khám. Mình từng đi chữa răng và khám phụ khoa và các bác sĩ đều nói tiếng Anh cực kỳ tốt, thái độ phục vụ thì miễn chê luôn, chất lượng Đức mà!
Các dịch vụ hỗ trợ cho sinh viên đều có thông tin bằng tiếng Anh trên website của trường, hệ thống các trường Đại học trên toàn nước Đức cũng như ở thành phố Stuttgart. Ở cấp độ nào, bạn cũng có thể tìm đều trung tâm hỗ trợ sinh viên để nhờ trợ giúp thuê nhà, hỗ trợ tư vấn pháp lý, hỗ trợ tư vấn tâm lý và cả xin tư vấn việc làm. Tất cả điều miễn phí và đều bằng tiếng Anh. Mình từng xin tư vấn pháp lý và luật sư tư vấn đã sử dụng tiếng Anh để trò chuyện với mình.
Tìm việc làm thêm khi không nói tiếng Đức? Được thôi!
Mình là minh chứng của chữ “được” nè. Mình có đi học khóa tiếng Đức cơ bản nhưng nói thật là khả năng nói của mình í ẹ, thế nhưng chỉ với “vốn liếng” tiếng Anh, mình đã xin được việc làm trợ lý nghiên cứu ở khoa, rồi mình xin đi rửa chén ở nhà hàng Ý, làm ở shop quần áo và cả cửa hàng kem. Có nhiều bạn mình làm cho công ty giao đồ ăn, cũng không cần tiếng Đức mà cần sức đạp xe ☺. Nếu bạn sống ở thành phố lớn thì không sợ không tìm được việc dù tiếng Đức chẳng đến đâu (nhưng tất nhiên nếu bạn biết tiếng Đức nhiều thì có nhiều lựa chọn công việc hơn.)
Du lịch khắp chốn mà không nói tiếng bản địa? Dễ mà!
Yên tâm là kể cả khi không nói tiếng Đức thì người dân bản xứ ở các thành phố du lịch đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn. Trên các tàu địa phương ở các thành phố du lịch như Berlin, Hamburg, Frankfurt, Bonn… đều có chỉ dẫn bằng tiếng Anh. Và Đức là giao điểm ở nhiều điểm đến du lịch. Với các tuyến xe bus giá rẻ xuyên lục địa và khả năng tiếng Anh, bạn sẽ có thể đến với nhiều đáng mơ ước lân cận, như thiên đường Ý, Thụy Sỹ mộng mơ, Pháp lãng mạn, Hà Lan với cối xay gió, và xứ Đông Âu hết sức rẻ và đẹp.
Học tiếng Anh ở Đức – lợi thế học thêm ngoại ngữ thứ 3
Và cuối cùng, một trong những ưu thế của việc du học ở một quốc gia không có tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ đó là bạn sẽ được học tiếng Đức miễn phí. Ngoài ra trường còn có các khóa dạy miễn phí các tiếng khác, như tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, tiếng Ả Rập… Đấy, khi ra trường, mình còn có thêm một thứ tiếng bập bẹ để điền vào là tiếng Đức nhé.
Với chừng đó ưu điểm thì các bạn có đủ tự tin để apply cho một chương trình học bằng tiếng Anh ở Đức chưa?
2018.05.09
Trần Thị Hà My
Sinh viên ngành thạc sỹ Integrated Urbanism &Sustainable Design
University of Stuttgart
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000