Việc hình thành các trường đại học danh tiếng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Đức và cạnh tranh với các trường của Mỹ vào cuối thập kỷ này.
Trong nhiều thập kỷ, người Đức luôn tự hào về thành tích quân bình của họ về giáo dục cũng như về mọi mặt xã hội. Sự chênh lệch về học phí bị loại bỏ, bằng cấp giữa các trường có giá trị ngang nhau.
Luật pháp và những quy định bảo đảm rằng mọi trường đại học đều được hưởng cùng mức độ ưu đãi. Các giáo sư và nhân viên trở thành các công chức nhận cùng mức lương trên thâm niên thay vì công trạng.
Thậm chí hiện nay ý tưởng về tỉ lệ sinh viên với giảng viên theo tiêu chuẩn Mỹ vẫn chưa hề được nhắc đến. Tại đây không có bất kỳ sự cạnh tranh nào.
Tính quân bình ngày càng khiến nảy sinh các vấn đề. Các trường đại học Đức sẽ phải trải qua sự cải cách về cơ bản. Thay vì để họ cạnh tranh lẫn nhau, chính phủ đưa ra một giải pháp là chọn 5 trường điểm, có khả năng trở thành một "Harvard'' để đầu tư thêm 50 triệu euro/năm.
Con số này tương đối lớn với Trường Đại học Humboldt(Berlin) có ngân sách 200 triệu euro/năm. Nhưng chẳng thấm gì so với ngân sách 2 tỉ euro của Harvard. Hơn nữa, số tiền này chỉ vừa đủ bù lại khoản chi phí từng bị cắt giảm.
Một thay đổi khác là cho phép các trường tự quy định mức học phí. Một số trường không chờ cho đến khi sự điều chỉnh được thực hiện. Trường Kỹ thuậtM., một trong những nơi đào tạo tốt nhất nước Đức, đã áp dụng hệ thống quản lý theo kiểu Mỹ, tăng học phí, tuyển chuyên gia và các giáo sư tốt nhất trong nước và quốc tế.
Trong một EU thống nhất, sự tự do của sinh viên thuộc các quốc gia thành viên đang mở ra cơ hội cạnh tranh chưa từng có. Theo ông hiệu trưởng Wolfgang Herrmann, sự suy giảm số sinh viên Đức sẽ buộc các trường cạnh tranh quyết liệt hơn để giành số sinh viên từ nước ngoài.
Nền kinh tế và xã hội Đức chỉ tồn tại nếu họ biết cách thu hút các sinh viên nước ngoài xuất sắc vào lấp những chỗ trống. Đáng buồn là những rắc rối của ngành giáo dục là sự phản ánh thực trạng ốm yếu của xã hội và hệ thống phúc lợi nước Đức.
Ý tưởng bình quân chủ nghĩa thống trị, kết hợp với ý muốn chủ quan của các nhà chính khách, đã tạo ra một hệ thống nhiều rào cản, có thể dễ dàng nhận thấy dù không cần so sánh với Harvard.
Minh Thu
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000