Đức: Điều tra vụ mua bán bằng tiến sĩ quy mô lớn

Đức: Điều tra vụ mua bán bằng tiến sĩ quy mô lớnNgày 22/8 vừa qua, tạp chí Focus - 1 trong 3 tuần san tin tức lớn của Đức công bố tài liệu cho thấy, có hàng trăm giáo sư Đức liên quan đến vụ nhận hối lộ để giúp cho nhiều người lấy được học vị tiến sĩ.

 

Giống như một quả bom hạng nặng, sự kiện này đã làm dấy lên những đợt sóng gió lớn trong giới học thuật và xã hội Đức.

 

 

"Học viện cố vấn khoa học" là kẻ giật dây

Tin tức của tạp chí Focus dẫn nội dung mà người phát ngôn Viện Kiểm sát Cologne của Đức, ông Gunter Field tiết lộ: có khoảng 100 vị giáo sư đại học đang bị điều tra vì có liên quan tới vụ giao dịch "đổi tiền bạc lấy học vị"; trường đại học nơi các giáo sư này đang công tác thậm chí bao gồm cả những trường đẳng cấp thế giới như Freie University Berlin, Tübingen University; ngoài ra những trường đại học danh tiếng khác như Đại học Frankfurt, Đại học Leipzig, Đại học Rostock, Đại học Jena, Đại học Bayreuth, Đại học Ingolstadt, Đại học Hamburg, Đại học Hannover, Đại học Bielefeld, Đại học Copenhagen, Đại học Cologne... cũng nằm trong danh sách này.

Những ngành học có liên quan tới vụ mua bán này cũng rất rộng, từ y học đến pháp luật, từ kinh tế đến công trình... Chúng cho thấy rằng hóa ra học vị tiến sĩ "Made in Germany" cao cấp kia giờ dường như chỉ cần với tay là có thể chạm tới.

Vào thời gian đầu, các phương tiện truyền thông đại chúng Đức đều đưa tin một công ty môi giới trung gian về giáo dục ở khu vực phía đông Cologne gọi là "Học viện cố vấn khoa học" Đức đứng đằng sau giật dây cho những giao dịch kiểu này. "Học viện" này đăng quảng cáo trên truyền hình và các tờ báo của Đức rằng, họ có thể giúp đỡ những người muốn lấy được học vị tiến sĩ sớm đạt được nguyện vọng.

Đương nhiên là sẽ chẳng có gì tự nhiên rơi từ trên trời xuống cả, và điều kiện đặt ra là: muốn lấy được học vị này thì khách hàng phải trả khoản phí khoảng từ 4.000 euro đến 20.000 euro. "Học viện" cung cấp dịch vụ tới mọi khách hàng thông qua "mạng lưới" các trường đại học của nó, nghĩa là tìm ra vị giáo sư có quyền trao học vị tiến sĩ về ngành học tương ứng với yêu cầu của khách hàng trong một trường đại học rồi sau đó chi ra khoản bồi dưỡng khoảng từ 2.000 euro đến 5.000 euro. Tất nhiên giao dịch giữa hai bên là "tiền trao cháo múc", có nghĩa là khách hàng của "Học viện" phải nhận được học vị tiến sĩ mà bấy lâu nay vẫn mong ước rồi mới trả tiền cho các giáo sư.

Hiện nay, Cơ quan Kiểm sát Đức đang điều tra, thẩm vấn những khách hàng đã trao trả khoản chi phí phi pháp cho "Học viện" xem họ có biết gì về giao dịch giữa "Học viện" và các vị giáo sư và đó có phải là hành vi đưa hối lộ hay không?

Học vị "Made in Germany" 100%

Các trường đại học nằm trong mạng lưới của “Học viện cố vấn khoa học” đều là những trường theo kiểu "hàng thật đúng giá", các vị giáo sư cũng đều  "đạt chuẩn", tóm lại là "hàng xịn" đúng tiêu chuẩn "Made in Germany" 100%. Và điều này quả thật có sức hấp dẫn lớn, khiến người ta khó lòng cưỡng lại.

Căn cứ theo một hạng mục được thông qua vào mấy chục năm trước đây mà hiện nay vẫn có hiệu lực pháp luật ở Đức thì chỉ có học vị tiến sĩ nào được nhận ở các trường đại học của Đức mới có thể được đóng dấu lên danh thiếp và được công nhận. Trước đây từng có một vị tiến sĩ Mỹ bị khởi tố vì sử dụng danh thiếp có in học hàm tiến sĩ ở Đức.

Viện Kiểm sát Đức cho rằng, luận văn xét duyệt tư cách tiến sĩ  là một dịch vụ chung, thu phí với loại dịch vụ này là không hợp pháp, đồng thời lên án những kẻ có liên quan đến việc dụ dỗ các giáo sư để họ xét duyệt luận văn sai quy cách và tạo cơ hội cho những người có nhu cầu đó được học tập học vị tiến sĩ, cuối cùng lấy được học hàm cao cấp này của "Học viện cố vấn khoa học" Đức. 

Điều đáng phải nói tới là thân phận của các giáo sư có liên quan đến vụ án và bị điều tra cũng rất phức tạp, rất nhiều người trong số họ không phải là giáo sư được đãi ngộ công vụ suốt đời theo ý nghĩa truyền thống. Vì vị trí giáo sư theo ý nghĩa truyền thống rất hiếm, nên để thích ứng với yêu cầu của tình hình, nước Đức cũng đã xuất hiện một số "giáo sư không chính thức" chịu sự quản lý một giáo sư nào đó, những người đảm nhận vị trí giảng viên trên 7 năm cũng có thể tự xưng là "giáo sư".

Trong số hàng trăm giáo sư bị điều tra hiện nay, một bộ phận là "giáo sư không chính thức" theo hợp đồng công tác, họ có những khác biệt rất lớn về lương và đãi ngộ so với những giáo sư theo nghĩa truyền thống.    

Tòa án đã sớm biết về vụ giao dịch này?

Trên thực tế, vụ giao dịch học vị của "Học viện cố vấn khoa học" trước đó từng bị tố cáo lên tòa án. Một năm trước khi tờ Focus công bố tài liệu về vụ việc đã có giáo sư người Đức bị bắt giữ do có liên quan đến dùng tiền và sex để mua bán học vị với những người có nhu cầu về học hàm này.

Một tờ báo lớn khác ở Đức - tờ Die Welt từ tháng 2/2008 đăng tải chi tiết về vụ việc này với tựa đề "Nhận học vị tiến sĩ và gông cùm thông qua tiền bạc và sex". Tờ báo này cho biết, sau khi chấp nhận điều kiện của "Học viện cố vấn khoa học", Giáo sư Luật học Thomas.A (theo quy định pháp luật, báo chí Đức đã giấu đi tên thật của vị giáo sư này) của Trường đại học Cologne đã giúp đỡ 86 người nhận được học vị tiến sĩ trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến 2005, bản thân ông này cũng nhận được khoản tiền 184.000 euro.

Khi ra hầu tòa, Giáo sư Thomas.A thừa nhận đã sử dụng số tiền này để tu sửa lại căn hộ của mình ở Hamburg. Cùng bị thẩm vấn với vị giáo sư này chính là người phụ trách "Học viện cố vấn khoa học". Lúc bấy giờ, tờ Die Welt không tiết lộ danh tính của người phụ trách này, bởi vì cuộc điều tra còn lâu nữa mới kết thúc.

Được biết, Giáo sư Thomas.A bình quân thu được 2.050 euro với mỗi khách hàng của mình. Ngồi trên ghế bị cáo phải ra hầu tòa còn có một phụ nữ. Người này để có điểm số cao hơn đã sử dụng cách hối lộ bằng... sex và nhờ đó nhận được một vị trí giảng dạy. Nhiều người theo đuổi tấm bằng tiến sĩ bên cạnh Giáo sư Thomas.A đều bị điều tra, trong đó có 40 người được ngừng điều tra sau khi nộp khoản tiền phạt lên tới 10.000 euro. Cuộc điều tra đối với những người còn lại vẫn chưa kết thúc.

Giáo sư Thomas.A cũng đối xử rất khác nhau với những người này từ khi hướng dẫn và giúp đỡ họ học tập, đối với số luận văn tiến sĩ được nộp lại ông này lại càng tỏ ra thờ ơ. Cuối cùng, Giáo sư Thomas.A lãnh án tù 3 năm vì "tội nhận hối lộ"

Thu Trang - Tổng hợp

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000