Đức đang là điểm thu hút du học sinh bậc nhất tại các quốc gia phát triển nhờ vào chính sách miễn học phí.
Chính sách này một mặt giúp Đức có nguồn lao động chất lượng cao phát triển kinh tế - xã hội về dài hạn, một mặt khiến cho mức chi GD đại học/SV thấp hơn trung bình khối OECD – qua đó báo hiệu sa sút chất lượng đào tạo…
Cung ứng đủ nhân lực cho tương lai
Vào năm 2014, toàn bộ các trường ĐH công lập tại Đức đều miễn học phí. Hệ thống GD đại học tại Đức nhận toàn bộ ngân sách nhà nước giống như hệ K-12 tại Mỹ.
Miễn học phí là yếu tố vô cùng quan trọng thu hút những sinh viên xuất sắc ngay cả tại quốc gia số 1 về đào tạo đại học là Mỹ. Học phí tại Mỹ đã tăng gấp đôi ở bậc đại học từ năm 2004 và vấn đề nợ sinh viên trở thành nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên Mỹ.
Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Đức lại hào phóng miễn học phí cho người nước ngoài như vậy? Nền kinh tế Đức là đầu tàu châu Âu nhưng không phải quá dư thừa tới mức “ban chia” phúc lợi cho người nước ngoài như vậy.
Theo nhiều chuyên gia thì việc thu hút nhân tài, dù có phải tốn kém, là cần thiết bảo đảm “nguồn đóng thuế” trong tương lai cho xã hội Đức.
Đức có tỉ lệ sinh thuộc loại thấp nhất thế giới và cách tốt nhất để tăng nguồn lao động nhập cư có chất lượng là “chủ động” đào tạo SV nước ngoài và đón nhận vào thị trường việc làm quốc nội sau khi tốt nghiệp.
Chính phủ Đức đặt mục tiêu thu hút 400.000 sinh viên từ ngoài châu Âu đến học các trường ĐH Đức vào năm 2020.
Hiện tại, có 330.000 sinh viên ngoài châu Âu đang học tại các trường ĐH Đức, trong đó chỉ có 5.000 SV Mỹ.
Tuy nhiên số SV từ Mỹ vẫn đang tăng ổn định gần đây.
Miễn học phí cũng khiến sinh viên nước ngoài có nhiều cơ hội và tự do lựa chọn chuyên ngành nghiên cứu mà họ quan tâm thay vì buộc phải lựa chọn ngành học “kiếm ra tiền” để hoàn trả khoản đầu tư học phí.
Bên cạnh ưu đãi bằng miễn học phí, trong những năm gần đây, các trường ĐH Đức cũng đang có những thay đổi tương đồng bằng cấp cử nhân và thạc sĩ với bằng cấp ở Mỹ. Cụ thể là dễ dàng chuyển đổi và dễ công nhận bởi chủ tuyển dụng lao động Mỹ.
Hạn chế huy động nguồn lực tư nhân
Ngân sách cho giáo dục đại học của Đức không phải là vô hạn và khi mà số sinh viên cả trong nước và nước ngoài tăng vọt thì mức chi trên đầu sinh viên cũng đã giảm sút.
Theo nghiên cứu của OECD cho thấy kể từ năm 2008, mức chi ngân sách trên đầu sinh viên tại Đức đã giảm 10%.
Mặc dù, Đức đã tăng ngân sách cho GD đại học giai đoạn từ 2008 đến 2013 thêm 16% - tuy nhiên, mức tăng này không đáp ứng kịp với tỉ lệ tăng sinh viên thêm 28% trong giai đoạn này.
Mức chi trên đầu sinh viên đã rơi xuống thấp hơn trung bình của khối OECD. Số tiền trực tiếp chi liên quan tới giảng dạy là 9.085 USD/SV bậc đại học tại Đức – trong khi trung bình của OECD là 10.222 USD.
Việc miễn học phí khiến cho ngân sách nhà nước phải oằn lưng gánh toàn bộ.
Trong khi đó, tại các quốc gia OECD, 30% chi /SV là từ nguồn đóng góp tư nhân, chủ yếu là học phí – tỉ lệ này tại Đức chỉ là 14%.
Giảm chi cho GD đại học đồng nghĩa với việc các trường ĐH khó duy trì được chất lượng đào tạo và đào tạo ĐH Đức có nguy cơ thụt lùi về chất lượng.
Cũng có một số rào cản để có thể tới Đức du học miễn phí. Luật của Đức đòi hỏi sinh viên phải mua bảo hiểm y tế; đạt điểm SAT ít nhất 1.300 nếu đăng chương trình đại học; yêu cầu cao về trình độ tiếng Đức mặc dù có một số chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Theo WFAA
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000