Trong sự nghiệp giáo dục, liệu bao giờ sẽ có người bạn nước ngoài nói về chúng ta “Đó là ý chí Việt Nam"?
Đức là 1 trong 3 quốc gia (Đức, Nhật, Mỹ) bước vào nền kinh tế trí thức sớm nhất của nhân loại.
Khác với Mỹ và giống với Nhật, nước Đức đã bị tàn phá khốc liệt trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Hơn 50% năng lực công nghiệp Đức bị phá huỷ. Khoảng 5% tổng vốn tư bản và ngoại tệ của Đức bị dùng để bồi thường chiến tranh. Từ năm 1953 trở đi, kinh tế Đức mới phục hồi. Từ năm 1960 trở đi, nền giáo dục Đức mới được sống lại. Thế nhưng ngày nay nền kinh tế Đức mạnh nhất trong Liên minh Châu Âu.
Giống như Nhật Bản, thương mại xuất khẩu là một trong những nhân tố chủ yếu đối với sự thành công của kinh tế Đức. Nó không dựa vào giá rẻ, mà chủ yếu dựa vào uy tín chất lượng cao của hàng xuất khẩu, phản ánh sức mạnh Đức trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, trong nghiên cứu và phát triển, trong sự đào tạo lực lượng lao động lành nghề ở mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ của nghề nghiệp. Trong sản phẩm xuất khẩu của 1 số hàng công nghiệp then chốt của Đức, giá trị trung bình của hàm lượng trí thức chiếm khoảng 60% giá thành sản xuất (Nhật tương đương, Mỹ khoảng 62%).
Các trường đại học tổng hợp Đức đã góp phần quan trọng vào sức mạnh Đức. Theo phương châm của các đại học tổng hợp Đức: “Thống nhất giữa nghiên cứu khoa học và dạy học". Sinh viên Đức gắn việc học của họ với việc nghiên cứu nghiêm túc ngay trong trường.
Ngoài việc tiếp thu các bài giảng, họ tự đọc sách, làm nhiều bài tập và chuyên đề. Họ học nghiêm túc ngay cả trong những cuộc đi chơi tập thể theo chủ đề do các Khoa tổ chức. Họ phải tự làm quen với những quy định về học và thi, xem như đó là “ Luật chơi “ trong các đại học tổng hợp.
Cuối khoá học, họ phải làm Luận văn, phải thi vấn đáp và thi viết. Sinh viên đại học tổng hợp Đức phải tự xây dựng kế hoạch học cá nhân phù hợp với những yêu cầu của khoá học và của từng học kỳ. Họ phải tự thúc đẩy lấy mình, để có được năng lực làm việc độc lập và sáng kiến cá nhân. Không ai “ kê đơn “ sẵn cho họ. Cũng không có Giáo sư nào thúc ép họ. Chính từ đó, trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học, họ tìm được “sự tự do tách khỏi mọi con đường mòn để lao vào con đường lớn của mình" (Trích trong tài liệu “Học tập và nghiên cứu ở Đức" của Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức – DAAD).
Và vì thế, ngay từ bậc trung học, để trở thành sinh viên đại học tổng hợp, học sinh Đức tự làm quen dần với “Luật chơi kiểm tra và thi", tự xây dựng tính làm việc độc lập và sáng tạo, để sau này không bỡ ngỡ với cách học ở các đại học tổng hợp.
Khi đọc tài liệu này của DAAD, anh bạn tôi kết luận “Đó là ý chí Đức". Nhớ lại cách đây chừng 38 năm, cùng chịu đựng với chúng ta những ngày bị bom B52 đánh phá ở Hà Nội và sau đó cùng vui mừng với chúng ta khi Hiệp định Paris được ký kết, những người bạn Nga đã nói với chúng tôi “Chúng tôi tự hào với ý chí Việt Nam".
Còn bây giờ, trong sự nghiệp giáo dục, liệu bao giờ sẽ có người bạn nước ngoài nói về chúng ta “Đó là ý chí Việt Nam" như anh bạn tôi nói về nền giáo dục của nước Đức?
Theo GD
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000