ĐH đẳng cấp quốc tế cũng "ế" sinh viên

ĐH đẳng cấp quốc tế cũng "ế" sinh viênViệt Đức, ĐH đẳng cấp quốc tế đầu tiên ở Việt Nam lại bị ế suất tuyển sinh hai năm liên tiếp. Giáo sư, Tiến sĩ Wolf Rieck, Hiệu trưởng ĐH Việt Đức trao đổi xung quanh vấn đề này.

 

- Mùa tuyển sinh trước trường hạ điểm chuẩn để có thể tuyển được gần 40 sinh viên. Năm nay, trường cũng hạ điểm chuẩn. Vậy chất lượng đầu vào của trường sẽ thế nào?

- Khi trúng tuyển, năm đầu tiên sinh viên sẽ được bổ sung kiến thức đại cương còn thiếu. Thực tế qua một năm đào tạo, chúng tôi nhận thấy điểm đầu vào không ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo của trường. Hầu hết sinh viên tiếp cận được môi trường học tập tiên tiến, đủ sức để học các năm học tiếp theo. Chúng tôi đã nhận được khoảng 30 hồ sơ, đủ để mở một lớp. Ngày 10/9 trường sẽ kết thúc nhận hồ sơ, hy vọng số lượng đó sẽ tăng lên.

- Qua hơn một năm đào tạo, ông có thể đánh giá ban đầu về hoạt động của  trường?


- Điều chúng tôi đạt được là chất lượng. Tất cả sinh viên của chúng tôi đều tiếp cận được môi trường học tập năng động, sáng tạo. Nhưng vì trường mới thành lập, chúng tôi cần có thời gian để khẳng định chất lượng đào tạo. Chúng tôi cũng mong sinh viên dũng cảm để đón nhận một chương trình học tập mới, khác hoàn toàn so với môi trường giáo dục của các trường ĐH tại Việt Nam.

- Ông lý giải thế nào về việc một trường đẳng cấp quốc tế như ĐH Việt Đức lại gặp khó khăn liên tiếp  trong hai mùa tuyển sinh?


- Nguyên nhân chính là vì trường chỉ mới thành lập nên nhiều người vẫn chưa có nhiều thông tin về trường.

 

ĐH đẳng cấp quốc tế cũng
Sinh viên ĐH Việt Đức giao lưu với sinh viên Đức tại Dusseldorf.

- Có phải học phí quá cao cũng là một nguyên nhân?

- Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi chưa nghe trường hợp nào thắc mắc về vấn đề học phí quá cao. Với mức học phí 1.500 USD mỗi năm một sinh viên tôi nghĩ đây không phải vấn đề lớn. Năm học đầu tiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã hỗ trợ 50% học phí. Tuy mới đào tạo trong một năm và chỉ có vài chục sinh viên nhưng nhiều công ty, tập đoàn kinh tế lớn của thế giới đã có ý định tuyển sinh viên của trường vào làm việc sau khi tốt nghiệp với mức lương hấp dẫn. Như vậy số tiền mà sinh viên bỏ ra trong mấy năm học chỉ là khoản đầu tư nhỏ. 

- Theo ông, mô hình của ĐH Việt Đức có phù hợp với giáo dục Việt Nam?


- Đây là trường quốc tế đầu tiên và là hình mẫu tại Việt Nam. Chương trình đào tạo của trường cũng có nhiều khác biệt. Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo, chúng tôi có yêu cầu khá cao, nhất là về trình độ ngoại ngữ vì tất cả sinh viên phải sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Tuy là mô hình mới, nhưng sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được. 

- ĐH Việt Đức giải pháp gì để thu hút thí sinh vào mùa tuyển sinh năm sau?


- Chúng tôi đã có kế hoạch, chiến lược để thu hút học sinh vào mùa tuyển sinh năm sau như dành nhiều kinh phí hơn cho công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh… Trong năm 2009, chúng tôi sẽ kết hợp với ĐH GT - VT và một ĐH của Đức thành lập hai cơ sở nghiên cứu (thuộc lĩnh vực giao thông và biến chuyển năng lượng mặt trời thành điện năng sử dụng). Hai trung tâm này sẽ dành cho những nhà khoa học trẻ của Việt Nam đào sâu thêm kiến thức. 

Tuy là người Đức, nhưng tôi luôn tâm niệm, sứ mệnh của ĐH Việt Đức là phục vụ cho người Việt Nam. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mời các giảng viên là nhà khoa học trẻ của Việt Nam có trình độ tiến sĩ (học tại nước ngoài) về giảng dạy tại trường, dần thay thế lực lượng giảng viên người Đức hiện có. Hiện mỗi năm trường được Chính phủ Đức hỗ trợ ba triệu euro, bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. Vì thế ĐH Việt Đức hoàn toàn có đủ kinh phí cho hoạt động đào tạo. Năm 2010, 2011 trường sẽ mở thêm 6 ngành học mới.

Xin cảm ơn ông.

Theo Đất Việt.

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000