Ước tính mỗi năm có 25.000 bằng tiến sĩ được trao ở Đức, trong đó có tới 1.000 bằng bất hợp pháp.
Các công tố viên nước Đức vừa thông báo đang điều tra vụ hối lộ để có được bằng tiến sĩ liên quan tới 100 học giả tại các trường đại học hàng đầu nước này. Cảnh sát nghi ngờ các giảng viên này đã nhận tiền của một công ty tư vấn, để tạo điều kiện cho hàng chục nghiên cứu sinh không vượt qua cuộc khảo thí ở đầu vào lấy được bằng tiến sĩ.
Điều tra êm thấm
Vụ điều tra khởi động sau khi cảnh sát lục soát công ty tư vấn học thuật mang tên Viện Tư vấn khoa học ở thị trấn phía tây Bergisch Gladbach vào tháng 3-2008. Họ đã tịch thu hàng ngàn hồ sơ, gồm cả những hợp đồng giữa công ty và các giảng viên, cũng như bằng chứng chuyển khoản ngân hàng giữa công ty và các học giả.
Các công tố viên của thành phố Cologne cho biết viện này đã giúp các nghiên cứu sinh tiến sĩ tìm được người hướng dẫn và trả tiền cho những người hướng dẫn này. “Một số nghiên cứu sinh đã trả 30.000 USD để có bằng tiến sĩ - Günther Feld, công tố viên cao cấp ở Cologne, nói với tờ Time - Nhiều người có kết quả học hạng xoàng và họ không đủ điều kiện để nghiên cứu tiến sĩ ngay từ ban đầu”.
Theo luật hình sự Đức, những người làm việc cho các cơ quan nhà nước (gồm cả các giảng viên đại học) không được phép nhận tiền hối lộ để đối xử với người này tốt hơn người khác. Các công tố viên không đưa ra bình luận sâu hơn về trường hợp này, mà chỉ cho biết họ đang điều tra những giảng viên nhận hối lộ thay vì điều tra sinh viên, và họ cũng không thông báo vì sao hơn một năm sau mới tiết lộ vụ việc.
Một số người liên quan tới vụ bê bối bằng cấp này đã bị bỏ tù. Trong số đó có cựu giám đốc Công ty tư vấn Bergisch Gladbach bị tù hồi tháng 7-2008 với mức án 3 năm rưỡi vì tội hối lộ. Ông bị buộc tội đã giúp hơn 60 nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ theo cách mờ ám. Một giáo sư luật của Đại học Hannover nhận tiền từ công ty tư vấn để hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu cũng bị án 3 năm tù. Các trường ở Hannover đã thắt chặt quy định nhận nghiên cứu sinh tiến sĩ. Henning Radtke - chủ nhiệm khoa luật của Đại học Hannover - cho biết gần đây họ đã thu lại chín bằng tiến sĩ. “Đây là một thảm họa với hệ thống giáo dục Đức” - ông nói. Ông cho rằng không thể chấp nhận việc một số giáo viên nhận hối lộ để nhận hướng dẫn các nghiên cứu sinh không đủ điều kiện.
Quảng cáo công khai
Theo giáo sư môn quản lý kinh doanh Manuel René Theisen của Đại học Ludwig-Maximilians ở Munich, các đường dây buôn bán bất hợp pháp học vị tiến sĩ có tồn tại ở Đức và vụ điều tra ở Cologne chỉ là phần nổi của tảng băng. Giáo sư Theisen ước tính mỗi năm có 25.000 học vị tiến sĩ được trao ở Đức, trong đó có tới 1.000 học vị bất hợp pháp.
Hàng chục công ty tư vấn có mặt trên thị trường đưa ra lời mời chào mua bán học vị là những bằng chứng không thể chối cãi. “Các công ty tư vấn quảng cáo trên các tạp chí kinh doanh và họ vờ như cung cấp dịch vụ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tiến sĩ, nhưng đây chỉ là chuyện thần tiên thôi - giáo sư Theisen bình luận - Người ta đọc quảng cáo sẽ hiểu họ có bằng tiến sĩ nhờ tiền chứ không phải là các công trình nghiên cứu học thuật”. Theo giáo sư Theisen, đó là chuyện “thả con tép bắt con tôm” của những người đi mua bằng vì nền giáo dục ở Đức lâu nay được đánh giá vào hàng nghiêm túc nhất châu Âu. “Những người mua được học vị tiến sĩ thường đưa ra yêu cầu lương bổng cao hơn khi họ làm việc trong tương lai” - giáo sư Theisen kết luận.
Các công tố viên ở Cologne vẫn đang điều tra ba cựu giám đốc của Viện Tư vấn khoa học ở Bergisch Gladbach (đã ngưng hoạt động). Viện này có các mối liên hệ với nhiều giảng viên khắp nước Đức. Chính quyền cũng đang điều tra các giảng viên làm việc ở nhiều trường đại học, trong đó có khoa luật, khoa dược và kỹ thuật.
Theo truyền thông Đức, các trường ở Berlin, Frankfurt, Hamburg và Leipzig đang bị điều tra. Nếu bị buộc có tội, các giảng viên có thể bị tù lên tới năm năm hoặc bị phạt nặng. Những người bị cáo buộc nhận bằng tiến sĩ giả cũng sẽ bị tù. Nhưng các công tố viên cho biết nhiều sinh viên không biết tiền họ trả cho công ty tư vấn đã được dùng để hối lộ giảng viên. Vì vậy, tùy từng trường hợp mà họ có bị thu bằng hay không.
Thu Trang - Tintucvietduc.de
The time.
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000