“Hệ thống trường học Đức ốm yếu” - đó là nhận xét của đặc phái viên về nhân quyền của LHQ Vernor Munoz sau khi khảo sát hệ thống trường học nước này. Ông Munoz cho rằng hệ thống giáo dục Đức đang loại trừ học sinh thuộc gia đình nghèo và con cái các gia đình nhập cư khỏi cơ hội nhận được một nền giáo dục tốt khi mà gạt chúng sang bên lề từ quá sớm...
Ông này muốn đề cập đến việc tách học sinh dựa theo học lực từ quá sớm khi mà trẻ chưa thể hiện được đầy đủ tiềm năng của mình. ý kiến của ông Munoz đồng chiều với quan điểm chung hiện nay của châu Âu về hệ thống giáo dục Đức. Không có một nước nào thuộc khối OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) mà mức giáo dục phụ thuộc nặng nề vào việc phân loại hơn tại Đức. Nước này có một hệ thống giáo dục phân làm 3 hạng dựa trên phân loại gần 1 thập kỉ qua. Sau 4 năm học tiểu học mà tại Đức gọi là Grundschule, hệ thống giáo dục bắt đầu chia học sinh lứa tuổi 10 vào 3 loại trường khác nhau. Hauptschule dành cho những học sinh hướng sẽ đi học nghề; Realschule dành cho những học sinh hướng vào nghề nhân viên “cổ cồn trắng” nhưng ở cấp thấp; và hạng cao nhất là Gymnasium cấp bằng Abutru, bằng tú tài bảo đảm cho vào bậc đại học.
Sự linh hoạt liên thông giữa các trường vẫn ở mức độ rất thấp, mặc dầu có những nỗ lực gần đây nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho một học sinh Realschule có kết quả cao chuyển sang Gymnasium trong những năm sau đó.
Đức đã tụt hậu trong 2 cuộc nghiên cứu gần đây của PISA, chương trình đánh giá học sinh quốc tế của OECD mà so sánh kết quả giáo dục trên toàn thế giới. Kết quả của PISA đã gây một cú sốc lớn trong cộng đồng giáo dục Đức và thúc đẩy những nỗ lực cải thiện hệ thống này. Tuy nhiên, chưa có một cải cách quan trọng nào ra đời.
Sự bảo thủ trong duy trì hệ thống giáo dục 3 hạng là dựa trên quan điểm rằng thiên hướng học hành phụ thuộc vào gen chứ không tiến hoá theo thời gian. Những người phản bác tranh cãi rằng sự vận động và tác động của xã hội có thể thay đổi tư duy; việc phân hạng như hiện nay bỏ sót nhân tài và gây lãng phí chất xám rất lớn.
Munoz cũng chỉ trích sự khác nhau trong những tiểu chuẩn giáo dục tại 16 bang của Đức. Chính sách giáo dục tại Đức có thể nói nằm trong tay chính quyền các bang. Sự khác nhau rất lớn: Các bang phía nam, chủ yếu là Bavaria và Baden- Wuerttemberg, có thể giữ nhịp với tiêu chuẩn quốc tế; trong khi đó các bang phía đông và phía bắc thường tụt xa phía sau.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cho biết sẽ cải cách hệ thống giáo dục liên bang nhưng lại hé lộ rằng chính phủ sẽ phân quyền lớn hơn cho các bang với vấn đề giáo dục. Bộ trường Giáo dục liên bang Anette Schavan cố làm dịu sự lo ngại một chính sách như vậy sẽ dẫn tới suy giảm hơn nữa năng lực trường học: “Chế độ liên bang không có nghĩa là mỗi bang muốn làm gì thì làm, sẽ phải có những mục tiêu chung và một chiến lược chung cho cả đất nước”.
Cũng theo bà Anette thì đã có những ưu điểm trong hệ thống giáo dục Đức và bà sẽ cố gắng loại bỏ sự phân hạng dựa trên phân tầng xã hội. Hiện hạng Hauptschule được coi là “cái túi” thu gom trẻ “hạng 3” tại Đức. Hiện nhiều trường hạng Hauptschulen tại Berlin, Frankfurt và Hamburg, nơi học sinh chủ yếu thuộc gia đình nhập cư hoặc tầng lớp cấp thấp hơn, một giáo viên phải xoay xở với 10 thứ tiếng bản địa khác nhau và trẻ thường không được dạy những kĩ năng đọc, viết hoặc toán đầy đủ. Chúng thậm chí không nhận được bằng cấp cũng là chuyện thường.
Có thể thấy nhiều trẻ nhập cư gặp trở ngại về ngôn ngữ và giải pháp khả thi để chúng không bị rơi vào loại trường hạng 3 là chúng nên được dạy tiếng Đức từ năm 4 tuổi trong trường mẫu giáo và tăng cường dạy tiếng ở những năm tiểu học. Bên cạnh đó giáo viên Đức cũng cần được bồi dưỡng hơn nữa kĩ năng sư phạm và kiến thức thực hành. Cụ thể là đào tạo giáo viên cần sát với thực tế, ví dụ như giáo viên Grundschule không cần phải biết đại số học cấp độ đại học.
Thanh Kim
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000