Học điện ảnh ở Đức: Lò rèn những sinh viên đoạt giải Oscar

Không một nước nào trên thế giới sản sinh ra nhiều tài năng điện ảnh được trao giải Oscar sinh viên cho phim nước ngoài hay nhất như nước Đức. Những người đoạt giải thưởng đáng mơ ước này là các đạo diễn Wolfgang Becker („Những cánh bướm“, 1988), Katja von Garnier („Tẩy trang“, 1994), Thorsten Schmidt („Rochade“,1998), Marc-Andreas Borchert („Tiền lẻ“,1999), Florian Gallenberger („Quiero Ser“, 2000), Florian Baxmeyer („Chiếc áo khoác đỏ“,2003) und Ulrike Grote („Kẻ trốn chạy“, 2005).



Bí quyết của thành công này là sự đào tạo công phu bền bỉ tại các trường điện ảnh Đức như Trường đại học Truyền hình và Điện ảnh München (HFF), Học viện Điện ảnh và Truyền hình Đức Berlin (DFFB), Học viện Điện ảnh Baden-Württemberg, Đại học Truyền hình „Konrad Wolf“ Potsdam-Babelsberg hoặc đào tạo nâng cao tại Trường Truyền thông Hamburg Media School (HMS).

Có uy tín lớn trong ngành là Viện hàn lâm Điện ảnh tại Ludwigsburg, vốn sở hữu một học viện riêng về phim hoạt hình. Trong quá trình học kéo dài bốn năm rưỡi các sinh viên trước hết được đào tạo cơ bản trong các lĩnh vực biên kịch, quay phim, đạo diễn, thiết kế điện ảnh và dựng phim, sau đó mới học ngành chuyên sâu. Ngược lại, tại Hamburg các sinh viên phải xác định ngay từ đầu sẽ học biên kịch, đạo diễn, quay phim hay sản xuất. Khóa học dài hai năm hướng tới thực tiễn này dựa trên cơ sở hợp tác và phân nhiệm. Vì vậy các đạo diễn ở đó không tự viết kịch bản.

Trường Đại học Nghệ thuật về Truyền thông Köln (KMH) dành nhiều không gian cho sáng tạo và kinh nghiệm làm phim, nơi nhà làm phim Hans Weingartner sản xuất bộ phim đầu tay „Tiếng rì rào màu trắng“ của ông. Sau chùm phim truyện “Faruks Café” do Jeanine Meerapfel chỉ đạo, nhà sản xuất bộ phim „Phố cây bồ đề“ Hans W. Geißendörfer đã thực hiện một dự án đầy tham vọng với các sinh viên theo học đạo diễn. Trong khuôn khổ một hội thảo về phim dài kỳ các nhà làm phim tương lai được phép dựng một tập trong bộ phim Đức nhiều tập này, trong đó kể về những tên khủng bố chiếm một nhà máy điện nguyên tử, khiến cư dân phố Cây bồ đề bị mất điện đúng vào dịp lễ Giáng Sinh.

Minh Trang


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000