Những tiến sĩ trẻ từ các “lò” nước Đức

Những tiến sĩ trẻ từ các “lò” nước ĐứcChị Nguyễn Minh Tân trong ngày nhận bằng Tiến sĩ Họ là những tiến sĩ tuổi đời còn khá trẻ, được “tu luyện” trong các trường đại học nổi tiếng của Đức. Họ đang là những giảng viên “cứng” của ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc đang là chủ nhiệm những công trình khoa học tầm cỡ. Anh bạn, cứ về nghĩ xem làm được gì?

Mai Thanh Tùng là một trong rất nhiều tiến sĩ trẻ của ĐHBKHN hiện nay. Anh nhận bằng của Viện Hoá lý & Điện hoá trường Heinrich - Heine, Duesseldorf vào năm ngoái khi vừa tròn 30 tuổi. Tốt nghiệp ngành Công nghệ Điện hoá ĐHBKHN vào năm 1995 với tấm bằng giỏi, anh được giữ lại trường làm giảng viên khoa Công nghệ Hoá học.

Một năm sau đó, anh giành học bổng Thạc sỹ tại ĐH Chalmers (Thụy Điển). Về nước năm 1998, năm 1999 anh lại lên đường sang Đức làm nghiên cứu sinh sau khi giành học bổng của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD). Do có quen biết với GS J.W.Schultze – nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ điện hoá từ khi còn ở Thuỵ Điển, anh quyết định chọn trường Heinrich-Heine ở thành phố Duesseldorf, thủ phủ bang Nordreihn-Westfallen bên bờ sông Reihn thơ mộng để được theo học vị GS đáng kính này.

Ngày đầu tiên gặp người hướng dẫn, chẳng những Tùng không được giao cho bất cứ đề tài nghiên cứu nào mà anh còn được GS Schultze đề nghị: “Này anh bạn, cứ về suy nghĩ đi xem anh thích làm gì và sẽ làm được cái gì. Bao giờ suy nghĩ xong thì báo cho tôi nhé”.

Mất đúng 3 tháng “lục tung” thư viện trường và dự những buổi giảng bài của GS, anh quyết định chọn đề tài phốt phát hoá chống ăn mòn kim loại. Khoảng 1 năm rưỡi sau đó, anh đã phải “cắn răng” bỏ đi toàn bộ những kết quả nghiên cứu công trình này bởi anh thấy công trình không có khả năng phát triển về mặt khoa học. Đề tài thay thế của anh ngay sau đó là công nghệ mạ trực tiếp cho các nền không dẫn có cấu trúc siêu nhỏ.

“Ngay từ đầu, GS đã để cho nghiên cứu sinh (NCS) tự “bơi” và phải tìm ra được hướng đi riêng mình. Khả năng nghiên cứu độc lập của NCS là rất quan trọng” – Tùng kể. Cho nên Tùng phải làm việc theo lịch trình rất chặt chẽ: 60% thời gian dành cho nghiên cứu đề tài, 20% thời gian dành cho việc hướng dẫn sinh viên và 20% còn lại của quỹ thời gian dùng để tham gia vào các hoạt động tổ chức triển lãm, hội thảo, hội nghị, đi thực tế ở nhà máy…

Giờ đây, ngoài giảng dạy, Tùng còn là chủ nhiệm đề tài của Bộ GD&ĐT về công nghệ mạ nhựa được phát triển phần lớn từ luận án Tiến sỹ của anh. Bước đầu, đề tài đã cho những kết quả khả quan với việc tìm ra dung dịch công nghệ đơn giản, hoàn toàn có thể sản xuất được ở trong nước thay thế sản phẩm nhập ngoại với giá thành rẻ. Tham vọng của Tiến sỹ trẻ này là sẽ ứng dụng công nghệ điện hoá vào công nghệ nano.

Không chỉ là con mọt sách

Do có thời gian đi thực tập tại Munich năm 2000, chị quyết tâm giành học bổng nghiên cứu sinh tại Đức. Bằng cách tìm kiếm và gửi hồ sơ qua Internet, Tân đã được 3 giáo sư nhận làm NCS và, vì vậy, chị có đầy đủ điều kiện xin học bổng của DAAD. Trong thời gian làm NCS, Tân làm việc tại Bộ môn các quá trình thủy cơ, ĐH Kỹ thuật Dresden (TU Dresden).

“Đi làm NCS ở Đức là dấn thân vào con đường học vấn chông gai, kể cả khi may mắn nhận được học bổng” – chị tâm sự – “Nhận được học bổng mới chỉ là chương mở đầu của quá trình phấn đấu lâu dài”. Đó là vì sự khác nhau trong hệ thống đào tạo của Việt nam và Đức.

“Muốn có tấm bằng TS tại Đức thì phải nỗ lực hơn nhiều lần so với một đồng nghiệp người Đức bởi tình trạng ta được đào tạo nhiều kỹ năng nhưng công việc nghiên cứu ở Đức không cần đến, trong khi ta thiếu hụt rất nhiều kỹ năng cần thiết cho môi trường làm việc tại Đức”.

Theo Tân, một trong những điểm yếu của lưu học sinh Việt nam là rụt rè, hay co cụm, không muốn tham gia các hoạt động xã hội. Nhưng chính cách đào tạo của Đức đã “kéo” các lưu học sinh VN ra khỏi tình trạng này.

“Các NCS không thể là con sâu bị cô lập trong phòng thí nghiệm, hoặc con mọt sách trong thư viện bởi một nhà khoa học giỏi phải là có bản lĩnh nghề nghiệp, nhận thức thực tế xã hội cao, phong cách làm việc hiện đại trong môi trường cạnh tranh và áp lực cao. Những điều này NCS chỉ có được khi họ thực sự hòa nhập với xã hội nước sở tại”.

Vấn đề bức xúc nhất hiện nay tại VN là giảng viên hầu như không được nghiên cứu khoa học. Khi phần nghiên cứu khoa học của giảng viên được phát triển, chất lượng giảng dạy cũng sẽ tăng theo” – Tân nhận xét.

Theo Tiền Phong



© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000