Dân tộc Đức với tố chất thông minh trời phú cộng với tinh thần nỗ lực phấn đấu không ngừng và những thuận lợi khách quan do thiên nhiên ưu đãi về nhiều mặt đã dựng xây đất nước thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Để trở thành một nước hàng đầu thế giới về nhiều lĩnh vực, Đức - không đi ngoài quy luật phát triển của các nước văn minh - rất chú trọng đầu tư phát triển nhân tố trung tâm – nhân tố con người. Điều đó được minh chứng bằng hệ thống giáo dục luôn được đầu tư theo các chiến lược sáng suốt và hợp lý để trở nên hoàn thiện và ưu việt như ngày nay.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐỨC
Sau thất bại ở thế chiến II, người Đức bắt tay xây dựng lại đất nước và giáo dục là ngành nhận được sự quan tâm hàng đầu của chính phủ cũng như cộng đồng dân cư. Năm 1997 Chính phủ Đức đã đầu tư 172,6 tỷ DM cho ngành giáo dục. Nước Đức gồm có 13 bang và 3 thành phố hưởng quy chế bang đồng thời giáo dục là chức năng chung của toàn liên bang. Mặc dù vẫn tồn tại mốt số nét khác biệt trong giáo dục giữa các bang khác nhau nhưng hầu hết các bang của Đức đều có mô hình đào tạo như sau:
Trẻ em Đức bắt đầu đi học khi lên 6 tuổi; từ lớp 01 đến lớp 04 tất cả học sinh học cùng một chương trình tại các trường tiểu học (Grundschule). Sau khi học hết lớp 4, tuỳ theo khả năng của từng người cũng như nguyện vọng của gia đình học sinh sẽ được phân loại để theo học ba loại trường khác nhau: Hauptschule, Realschule và Gymnasium.
Trường Hauptschule: ( từ lớp 5 đến lớp 9)
Trường giảng dạy các môn học giống với hai trường Realschule và Gymnasium nhưng với tốc độ chậm hơn và có giảng dạy thêm vài khoá định hướng dạy nghề. Học sinh tốt nghiệp trường này sẽ vào học các trường dạy nghề cho đến khi 18 tuổi.
Trường Realschule: ( từ lớp 5 đến lớp 10)
Học sinh tốt nghiệp trường này sẽ vào học các trường dạy nghề và hướng nghiệp nâng cao. Những học sinh đạt kết quả học tập cao sẽ có cơ hội chuyển sang học trường Gymnasium.
Trường Gymnasium: (từ lớp 5 đến lớp 13)
Học sinh tốt nghiệp trường này sẽ được nhận bằng tú tài và điểm thi tốt nghiệp kỳ thi tú tài là một trong những tiêu chí để đánh giá học sinh ở đầu vào đại học hoặc cao đẳng. Trường giảng dạy các môn học chính như: ngôn ngữ cổ điển, ngôn ngữ hiện đại và các môn khoa học thuộc tự nhiên và toán học.
Ngoài hệ thống các trường cơ bản trên ở Đức còn rất nhiều các loại hình trường học khác như: trường Gesamtschule, Berufsschule…
Các trường Đại học
Cũng như tất cả các trường đại học khác trên thế giới, các trường đại học ở Đức là nơi cấp bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ là bằng cấp cao nhất được cấp tại các trường đại học.
Những người có bằng tú tài sẽ được nhận vào học đại học hoặc cao đẳng. Ở Đức sinh viên đại học và trên đại học tại các trường công không phải trả tiền học phí, tuy nhiên họ phải tham dự các kỳ thi để chứng minh mình đủ khả năng học tập ở bậc đại học. Chỉ có 2% số người đăng ký tại các trường tư là phải trả học phí. Toàn liên bang Đức hiện có 88 trường ĐH tổng hợp, 138 trường ĐH chuyên ngành, 46 trường ĐH nghệ thuật, 30 trường ĐH hành chính, 6 trường Sư phạm và 1 trường ĐH KHXH&NV.
Chương trình đào tạo luôn đổi mới, các khoá học được rút ngắn và nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo trình soạn thảo bằng hai ngôn ngữ Anh và Đức... Các trường ĐH tại CHLB Đức đang sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục.
Để thu hút và khuyến khích việc học tập, ngay từ những năm 70, Đức đã có chính sách mở rộng cơ hội học tập trong số đông dân cư bằng Quỹ hỗ trợ Liên bang về hoạt động giáo dục - đào tạo và các chi phí khác. Những chính sách trên đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành giáo dục Đức, hiện nay tỉ lệ người có bằng ĐH chiếm 1/3 dân số Đức.
Theo diendan.svvn-dresden
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000